Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

KHAI BÚT


Viết trang nhật ký điện tử (blog) đầu tiên vào một buổi chiều muộn cuối tuần của một ngày gần hết năm con Hổ. Sao mà lạ lùng thế nhỉ??? Cũng đơn giản thôi. Mọi cái hãy cứ để tự nhiên nó đến, không cần phải sắp xếp gì cả. Như vậy chắc là hay hơn, tự nhiên hơn và cảm xúc cũng thật hơn.


Bắt đầu từ hôm nay mình sẽ lưu vào đây những gì mình cần cất giữ. Không cần sự sẻ chia, không cần sự an ủi (nếu cần thì chỉ có thể là một vài người thân đáng tin cậy nhất)... chỉ muốn nhìn lại những gì đã qua một cách đầy đủ nhất để mà xả stress, để mà chiêm nghiệm, để mà suy ngẫm, để mà nhìn lại chính mình hay giữ lại một khoảnh khắc đáng nhớ nào đó trong cuộc đời.
08:24 17 thg 12 2010

CON TRAI - CON GÁI

Sáng chủ nhật, chẳng có việc gì vội, định "ngủ nướng" thêm tí nữa. Vừa lúc tiếng điện thoại đổ chuông. Nhất định không nghe. Tiếng tin nhắn dồn dập. Thì ra có người bạn gái mời đến ăn giỗ.
Vì phải chờ con đi học về nên đến muộn. Có người đã dùng xong, có người còn đang ăn, còn cô bạn của tôi vẫn còn loay hoay, chưa kịp ngồi vào mâm. Nhà đông con, lại tự nấu nên tất bật???
Hóa ra không phải vậy. Cái kiểu "cha chung không ai khóc" đúng là đây. Gia đình có 14 người, đủ cả con gái, con trai, con dâu, con rể nhưng ai cũng có lý do để từ từ mới đến (người ở xa nhất cũng chỉ cách 20km). Vì tổ chức giỗ ở nhà bạn tôi, nên hầu như mọi việc cô ấy đều phải lo liệu. Các ông anh cứ vô tư, các bà chị cứ mải lo cho gia đình riêng (làm như thiếu họ 1 buổi thì nhà cửa sẽ rối lên), các nàng dâu thì cứ như khách mời, đến tận giờ ăn mới xuất hiện. Đó là chưa kể phải gọi điện thoại mấy lần. Vậy mà cũng không đến đủ đâu nhé. Trong bữa ăn, một nàng dâu vô tư.... lự: "sau này má chết chắc không ai cúng má đâu, vì mấy ông con trai của má có ai ngó ngàng gì". Đắng nghẹn trong lòng.
Ăn xong, các ông anh lăn ra ngủ, các bà chị và các nàng dâu lại vội vàng ra về (không quên gói ghém thức ăn mang theo). Còn lại bạn tôi với những công việc tiếp tục phải làm.

Người Việt mình vẫn nặng lòng chuyện phải có con trai để nối dõi tông đường và thờ cúng sau này. 
Trước viễn cảnh này, Người mẹ già chỉ biết thở dài.

Các cụ nói chẳng sai:
Trai mà chi, gái mà chi
Miễn là có hiếu, có nghì thì thôi
Hy vọng bạn tôi sẽ được hưởng nhiều phúc đức của ông bà
10:18 26 thg 8 2012 

CHỌN MỘT HƯỚNG ĐI

Đường đời cũng giống như những con đường trên mặt đất. Đến một đoạn nào đó chắc chắn sẽ có một ngã rẽ. Cái khó là sẽ chọn hướng nào để tiếp tục cuộc hành trình. Đi thẳng ư? Rẽ phải hay là rẽ trái? Điều gì sẽ đến sau mỗi quyết định?

Tối nay EM hẹn đến chơi. Bất ngờ. Vì biết EM rất bận, hơn nữa hôm nay không phải là ngày cuối tuần - là dịp em có thể nghỉ ngơi sau những ngày tu luyện. Bất ngờ hơn khi EM bảo buổi gặp hôm nay như một lời chia tay với chị, vì em chuẩn bị bước vào giai đoạn tu 9 năm rồi. Vẫn biết khi bỏ nghề giáo, chọn một hướng đi mới EM đã suy nghĩ chín chắn và có sự quyết tâm rất lớn, chị rất ủng hộ em. Nhưng lòng vẫn không sao tránh khỏi sự nao nao khó tả.
EM tâm sự: "Thời gian vừa qua, có 3 lần em đã rơi vào trạng thái cô đơn, cũng thấy buồn và hiu quạnh lắm, nhưng rồi em tự nhủ con đường mình đang và sẽ đi là con đường mà mình đã chọn và nó sẽ là cơ hội để em được quan tâm giúp đỡ được nhiều người hơn thì tại sao lại để rơi vào tình trạng bị dằn vặt như thế? Và lòng quyết tâm đã giúp em vượt qua tất cả".
Mừng cho EM.
Chúc em vững bước và thành công
16:15 28 thg 8 2012

XEM PHIM 4D

Có thằng bạn rủ đi xem phim (thằng này ông xã mình biết và vợ chồng mình coi nó như người trong nhà, yên tâm).
Tưởng là phim chiếu ở rạp bình thường như bấy lâu nay mình vẫn nghĩ. Hóa ra.....
Nó bảo: Xem phim 4D nhé.
- Ở đâu?
- Ở ngay đường PVH, gần nhà mày đấy.
- Thế à, gần nhà tao mà sao tao không biết nhỉ?
- Ối giời, cả thành phố chỉ có 1 chỗ này chiếu phim 4D thôi đấy. Người ta từ nơi khác còn lăn lội đến đây để xem. Mày lạc hậu thế.
- Ừ, lạc hậu thật. 3D tao mới biết, là nhờ nhà thằng em nó có. Mà 4D nó khác 3D chỗ nào. Đừng nói là 3 khác 4 nhé (Điều này tao biết từ hồi mẫu giáo đấy).
- Mày biết 3D rồi chứ gì, vậy 4D là khi mày xem phim sẽ có đoạn nước xịt văng vào người, có gió thổi...
- Nói thế dễ hiểu. Nhưng xem 3D tao thấy chóng mặt. Không biết 4D có chịu nổi không? Mất công xem không được lại bỏ vé, uổng tiền.
- Không sao, phim chỉ chiếu 15 phút thôi mà. Đi một lần cho biết.
- Thì đi.

Phóng xe cái vèo là đến nơi. Vào thang máy. Bấm tầng số 6. Bước ra. Sao vắng lặng thế nhỉ, chỉ có mấy đứa choai choai đang chơi bida ở cái sảnh gần đó.
Tiến lại quầy vé, chưa kịp mở miệng, con bé bán vé đã ngọt nhạt:
- Anh chị (nhầm to rồi bé ơi, chúng tao là bạn bè thôi nhé) chờ có đủ 8 người thì rạp em mới chiếu được.
- Vậy là chờ thêm 6 người nữa phải không?
- Dạ (nó lí nhí trong cổ họng, cứ như là sợ phát hiện đang nói dối).
Đem thắc mắc hỏi thằng bạn: 8 người cũng chiếu, làm sao đủ "sở hụi". Nó độp ngay: Khéo lo nhỉ?
Ngồi chờ, mỗi người uống hết 1 chai nước thì có thêm 2 người nữa tới. Rồi 10 phút, 20 phút cũng chỉ từng ấy người. À, cũng có thêm vài người đến, nhưng chỉ là bọn nhóc đến chơi bida.
Hơn nửa tiếng, ở ghế chờ đã có tất cả 10 người. Tuy nhiên, có 2 người chọn phim A, 3 người chọn phim B. 5 người chọn phim C và 2 người còn lại chọn phim D. Bắng cách nào đấy, cô bé bán vé đã thuyết phục được mọi người cùng xem chỉ một phim. (Vậy mà cũng trưng cái 4 cái ap-phích ra để cho khán giả chọn, đúng là dân chủ nửa vời).
Vào rạp. Rạp nhỏ xíu, có chừng 30 cái ghế, cứ 2 cái ghép thành 1 cặp.
Lớ ngớ như ở trên núi mới xuống.
Cố leo lên cái ghế cao ngất ngưởng (ghế êm thật), thắt dây an toàn và đeo kính vào.

Một bộ phim về đại dương. Có tàu đi trên biển, có cá mập, có bạch tuộc cứ như chực lao thẳng vào mặt, có nước xịt vào người, có gió thổi lồng lộng (đúng y như đứa bạn đã nói) và có cả tiếng la hét của mấy đứa..... teen ngồi gần bên khi ghế nghiêng qua phải, nghiêng qua trái hay bật ngửa ra.

Loáng cái là hết phim. Áng chừng chỉ 10 phút là cùng.
Nếu cứ ngồi nhà thì tưởng 4D là gì ghê lắm. Nhưng xem 4D rồi thì thấy cũng ........ thường thôi.
Hehe.
Đúng là xem cho biết và về nhà thì có chuyện để kể đây.


15:22 31 thg 8 2012

MƯA SÀI GÒN

Sài Gòn dạo này hay mưa.

Đúng ra, mùa mưa ở Sài Gòn phải bắt đầu từ tháng 4 âm lịch (bài địa lý mình học hồi xưa cô giáo dạy thế). Nhưng những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, do sự xâm hại của con người đến thiên nhiên (các bài báo họ viết thế), nên mưa nắng chẳng còn tuận theo theo chu kỳ. Cứ đỏng đảnh như cô gái thoáng vui, thoáng giận hờn vu vơ.

Mưa Sài gòn có nét riêng mà ai mới đặt chân đến mảnh đất này cũng rất dễ nhận ra. Sài Gòn  không có mưa phùn, mưa ngâu như ở miền Bắc; cũng chẳng bao giờ có những cơn mưa dầm dề từ ngày này qua ngày khác đến não ruột như ở miền Trung. Sài Gòn có những cơn mưa chợt đến rồi chợt đi, nhiều khi làm cho mọi người chẳng kịp trở tay, đến nỗi thỉnh thoảng đi trên đường, giữa trời xanh, nắng đẹp, người ta cũng không hề ngạc nhiên khi bắt gặp một vài người cứ mặc nguyên áo mưa chạy ào ào trên phố. Họ mới đi ra từ cơn mưa mà.
 

Mưa Sài Gòn cứ thế nhẹ nhàng đi vào những trang thơ trữ tình và những bản tình ca làm say đắm biết bao lòng người.

GẶP ĐỒNG HƯƠNG TRÊN .... PHỐ

Thỉnh thoảng đi trên đường, chợt bắt gặp đồng hương. Người già, người trẻ; nam hay nữ đều có cả. Nhưng chưa kịp nhìn nhau thì bóng dáng đồng hương đã phóng vèo qua mặt, mất hút trong biển người xuôi ngược.

ĐI QUA MÙA HÈ

Năm học vừa rồi, cô cháu gái của tôi thi môn cuối cùng vào ngày 29/4. Sau những ngày nghỉ lễ, ngày nào cháu cũng phải đến trường theo như thời khóa biểu. Cặp sách vẫn lặc lè từng ấy môn. Thứ 2, 3, 5, 6 có lịch học 2 buổi cũng phải đi đủ cả, nhưng thực chất mỗi ngày đến trường chỉ có chơi, chơi, và chơi. Tuy vậy, "nhất định không được em nào vắng mặt đấy nhé".(Lời cảnh báo của nhà trường)

Tuần đầu tiên được chơi thoải mái, chúng thấy thích lắm. Có đứa chơi game trên điện thoại, có đứa nói chuyện với nhau, có đứa chơi đánh cờ...
Tuần thứ 2 chơi những trò ấy cũng chán, chúng vác nguyên bộ bài vào. Hỏi: dám đánh bài trong trường à? Nó trả lời: thầy cô không có ở đó. Thật hết biết!
Sang tuần thứ 3 thì chúng nó oải thật sự và than vãn: không học mà ngày nào cũng phải lên trường, mệt quá.
Lê lết đến 24/5 thì trường làm lễ bế giảng.
Thế là "Mỗi năm đến hè thì... ta nghỉ hè".
Ấy ấy, đừng tưởng bở.
Cái ngày ấy dường như đã xa, xa lắm rồi. Trẻ con bây giờ làm gì còn có kỳ nghỉ hè thú vị với những chuyến về quê để thăm ông bà, những ngày được vui chơi thỏa thích.
Nhà trường chưa tổng kết năm học đã thấy treo trước cổng tấm băng rôn đỏ nổi bật hàng chữ trắng về chương trình học hè. Ghi tên đăng ký ngay, kẻo hết chỗ !!!!

Hình như bao nhiêu mơ ước, khát khao mà cha mẹ chưa thực hiện được nay như có dịp đều dồn hết vào con cái. Phải cõng trên lưng cái trách nhiệm học thay cha mẹ: nào là học đàn, nào là học vẽ, học toán, học văn, học anh văn, học vi tính, học võ, và cả học.... đánh cờ tướng, những đứa trẻ chẳng còn cái nét ngây thơ như độ tuổi của chúng. Thay vào đó là vẻ mặt đăm chiêu sau cặp kính cận. Thật tội.

Tháng 7 chưa qua đã thấy rục rịch đến trường để học chính thức. Có trường bắt đầu học ngay từ 1/8.
Chẳng hiểu tại sao tới tháng 9 mới khai giảng mà tháng 8 đã phải đi học rồi.
Ngày xưa (lại ngày xưa), vào ngày 5/9, sau hồi trống khai trường, tất cả học sinh trên cả nước mới đồng loạt lên lớp để học bài đầu tiên. Học như thế, nhưng chúng tôi có bao giờ bị thiếu thời gian đâu nhỉ? Cũng chẳng bỏ mất bài nào.

Mùa hè đi qua từ khi nào cũng chẳng hay biết.
Đi học trở lại chưa được một tháng mà đứa nào đứa nấy ngày nào cũng ra rả đọc bài thuộc lòng, làm toán đến tận khuya. Sáng mai lại tất tả, tranh thủ ăn sáng trên chiếc xe mà cha mẹ hoặc ông...xe ôm chở đến trường.

AI CHỞ MÙA HÈ CỦA..... HỌC SINH ĐI ĐÂU?????????
15:37 28 thg 8 2012

TRUNG THU CỦA...AI?

Mới đầu tháng 7 âm lịch đã thấy trên nhiều hè đường, người ta dựng sạp để bán bánh trung thu.
Trung thu là tết của ai nhỉ? Vớ vẩn, của trẻ em chứ của ai nữa mà hỏi linh tinh.
Nghe này:
- Tết Trung thu em rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường...Có nghe bài hát này rồi chứ gì?
- Nhạc sỹ Phạm Tuyên cũng rất được các em thiếu niên nhi đồng ngưỡng mộ mỗi khi hát bài "Chiếc đèn ông sao": chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu. Cán đây rất dài em cầm quá đầu".
Đấy, trung thu chẳng phải của trẻ em là gì.

Thực tế bây giờ lại cho chúng ta một câu trả lời khác: Trung thu không phải là của trẻ em.
Ô hay, thế trung thu là của ai?
Không biết, chỉ biết trung thu là "tết của tình thân", mà ai thân tình với ai thì người đó có bánh. Những hộp bánh cứ truyền tay nhau chạy lòng vòng. Thế mới có chuyện, nếu biếu bánh thì biếu sớm, đó mới là bánh mua. Chứ từ ngày 10 tháng 8 âm lịch trở đi mới biếu thì ... thiếu tế nhị lắm!!!
Những chiếc bánh có giá mấy triệu, có nhân bằng vàng, có kèm cả trà và rượu là những chiếc bánh không phải để ăn. Người biếu cũng chẳng nói: đây là quà cho các cháu, cứ thẳng toẹt: em biếu anh chị.

Rõ rồi nhé
13:24 14 thg 9 2012 

20.000 ĐỒNG VÀ KHÁM BẢO HIỂM Y TẾ

Đau răng. Nhờ ông xã ra "phẹc - ma - xi" khai bệnh .... giùm và mua thuốc về uống. Uống hết thuốc mà răng chẳng hết đau.
Sáng ra, cầm cái thẻ bảo hiểm đi bệnh viện. Cả mấy năm trời "trích đúng, trích đủ số % tiền lương để đóng vào quỹ bảo hiểm", nay thử dùng đến nó xem sao.


Nhìn dòng người đông nườm nượp từ "vòng gửi xe" đã thấy oải. Chẳng biết có khám được không. Thôi kệ, đã đến rồi thì cứ vào.

Hơn một năm nay chẳng lui tới chỗ này nên thấy lạ quá. Bàn hướng dẫn có 1 quyển sổ và 1 cây viết Bic để đấy nhưng người hướng dẫn thì biến đằng nào.
Đứng quan sát một lượt thì thấy trình tự đăng ký khám thế này (áp dụng chung cho cả người có BHYT lẫn người không có BH) :
- Bấm lấy số tự động. kẹp vào sổ. Để vào cái rổ nhựa hình chữ nhật. Chờ
- Khi chờ lần 1, tuyệt đối không được lơ đãng, vì cùng một lúc sẽ có nhiều quầy đọc số và tên bệnh nhân. Nếu không nghe thì sẽ bị qua lượt, chờ thêm thì chỉ có nước xỉu.
 Cô nhân viên (mặc đồ y tế, oai ra phết) cộc lốc: khám gì. Bệnh nhân tự khai bệnh. Rồi cô ta lấy một tấm bìa nhàu nhĩ (vì xoay rất rất nhiều vòng rồi mà lị) cỡ bẳng 4 đốt ngón tay trên đó có ghi mã phòng khám và số thứ tự vào khám ở phòng đó. Chờ tiếp để một người khác nhập dữ liệu vào máy.
- Khi chờ lần 2, phải vòng ra đằng sau để nghe đọc tên ở một quầy khác. Nếu không biết, cứ đứng y chỗ đó thì chờ đến tết Công - gô.
- Nhận sổ, thẻ đến nộp tại phòng cần khám. Chờ lần 3.
Nếu chẳng may rơi vào lúc "giải lao" theo tiêu chuẩn của bác sĩ thì không phải chờ 15 phút theo như quy định đâu nhé. Khi nào "bác" muốn quay lại thì tùy hỉ. Có người phàn nàn: đi cỡ nửa tiếng không hà!!!!!!
Khám xong, đến công đoạn chờ lấy thuốc mới trần ai. Tất cả bệnh nhân của các phòng đều dồn hết vào đây. Người bệnh thì mệt mỏi, người phát thuốc thì cứ tà tà.
Như vậy, nếu không có gì trục trặc (mất lượt, quay lại phòng khám đổi thuốc vì loại vừa kê không còn, đóng phần chênh lệch bảo hiểm, chờ xét nhiệm...) thì mất đúng một buổi.

Quyết định nộp sổ để khám. Bấm lấy số. 857
Lúc này lượng người ở cửa đầu tiên đã vãn bớt.
Cô nhân viên nhận sổ, hỏi: chị có đăng ký khám hẹn giờ không.
Tôi thật thà: không. Mà khám hẹn giờ thì phải làm sao hả chị?
- Chị đóng 20.000 là được, không cần đăng ký trước.
Làm ngay.
Chỉ cần chờ 5 phút để đóng 20.000đồng là đã có thể cẩm sổ đến thẳng phòng cần khám. Liếc lên bảng số tự động ở quầy chờ lần 2 mới thấy nhảy đến số 524.
Hay thật, chỉ cần 20.000đồng là có thể đi trước hơn 200 người.
Khám xong, xếp sổ chờ nhận thuốc mới thấy người ta đọc đến số 792.

Chỉ tốn 20.000 (bằng giá một tô phở vỉa hè) mà được vượt trước (nói thẳng toẹt là chen ngang.... một cách đường đường chính chính) thì chẳng biết nên vui hay buồn.
01:31 4 thg 10 2012 

TẠI SAO PHẢI HỌC THÊM

Thằng cháu mới 5 tuổi, đang học lớp lá, nhưng tối nào cũng phải cắp cặp đi học viết chữ từ 18g đến 20g.
Đi học bán trú từ sáng đến 16g30 mới được mẹ đón về, tắm rửa rồi ăn uống khẩn trương để còn kịp giờ đến lớp. Đúng là khốn khổ cái thân và cái đầu non nớt của nó. Mẹ nó nói thấy có lý: con ai cũng học trước, con mình không học sắp tới vào lớp 1 theo sao kịp.
 Và trên thực tế mình đã thấy rõ là học sinh khi bắt đầu vào lớp 1 là...... không phải đợi cô uốn từng nét chữ nữa. Cứ thế mà viết theo bài trên bảng mà cô đã viết sẵn.


Cháu gái học lớp 6, về năn nỉ mẹ nó cho đi học thêm môn Anh văn do thầy của nó mở lớp dạy ở nhà. Mẹ nó nói: "tiếng Anh ba con dư sức chỉ cho con mà". Nhưng nó mếu máo: "không đi học thêm thì ngày nào thầy cũng kêu lên bảng, cho toàn là câu khó không có trong sách, với lại mấy đứa đi học thêm được làm bài tập giống y như bài sẽ kiểm tra 1 tiết". Đành phải chiều theo ý..... thầy.



Con gái học lớp 12, khẳng khái: "nhất định con phải đi học thêm môn văn, vì thầy giảng mà chẳng ăn vào đầu chút nào, cả lớp chứ chẳng phải mình con. Con cũng cần phải học toán, vì thầy giảng qua loa lắm". Cuối cấp rồi, cũng đành phải chấp nhận thôi. Điều xót xa là khi đến học toán ở nhà thầy thì thầy giảng rất kỹ và còn bảo: nếu nói hết ở trên lớp rồi thì về nhà lấy gì để nói nữa.


 
Vậy thì học sinh vẫn phải tiếp tục đi học thêm thôi.
12:37 2 thg 12 2012 

CHUYỆN TRONG NHÀ BẾP

Chủ nhà là hai vợ chồng một doanh nhân. Công việc bận tối ngày nên việc nhà cửa, bếp núc giao cho osin.
Khỏi phải nói, trong ngôi nhà ấy, cái gì cũng đẹp và rất đắt tiền, kể cả chén bát - chúng đều là hàng của nước ngoài. Cô osin cứ gọi là "chén kiểu" cho tiện.

Ngày nọ, cô osin dọn dẹp lại căn bếp, chợt thấy một cái chén sành nằm khuất trong góc tủ. Loại này được sản xuất từ lò làm chén bát thủ công ở Bình Dương nên nó rất thô kệch. Nhìn thấy nó, cô osin chợt nghĩ, có thể dùng nó vào việc giã tỏi hay giã ớt cũng tiện. Thế là cô ấy lấy nó ra, rửa sạch sẽ rồi úp chung với chồng chén kiểu.
Người ta bảo, "chén bát trong sóng cũng có lúc khua". Quả đúng vậy. Từ khi chén sành vào nằm gần chén kiểu, chúng bắt đầu sinh cãi vã. Chén sành cho rằng, nó rắn chắc và cũng có một "cương vị" nào đó nên chẳng có gì phải sợ chén kiểu. Nó cố ý cho chén kiểu biết, nếu bị sứt mẻ thì kẻ bị thiệt hại nhiều hơn không phải là nó, nên nó cứ "vô tư cách" làm theo ý của mình, gây gổ với đám chén kiều. Để tỏ ra mình là bậc "danh giá", đám chén kiểu chẳng thèm đấu khẩu với "thứ tầm thường" ấy làm gì. Chúng âm thầm bàn nhau tìm cách trị kẻ hợm hĩnh. Mỗi khi gặp bà chủ, chúng cũng khua khắng ầm ĩ lên để cho chủ nhà biết mà can thiệp.
Quả thật, sợ cái chén rẻ tiền thế nào cũng làm cho đám chén mỏng manh được mua bằng đôla bị sứt mẻ, bà chủ đã bảo cô osin mang để nó vào xó bếp. Vì nằm trong góc khuất và mỗi lần lấy ra dùng rất bất tiện nên cô osin cũng chẳng màng đến nó nữa.
Một ngày kia, ông chủ cần một dụng cụ để đựng chút dầu lau xe. Cô osin đã nhớ đến nó. Xong việc, ông tiện tay quăng nó vào thùng rác.
Vòng luân hồi, chẳng biết nó sẽ rơi vào tay ai và được dùng vào việc gì?



 12:25 14 thg 9 2012

LOẠN CẢM XÚC

Sáng rảnh rỗi, cầm tờ "Tuổi trẻ" điểm tin. Đọc đến bài "Loạn ảo thuật gian lận xăng dầu" sao mà thấy bực. Không bực cái thằng bơm đểu. Bực những người có chức trách sao cứ để mấy cây xăng đó tồn tại. Phạt hành chính à. Số tiền phạt nhỏ như con thỏ liệu có đủ sức răn đe. Cứ nghĩ đi, một người ăn cắp một con vịt bị xử ngồi tù cả năm. Còn bọn này - bọn móc túi, ăn cắp trắng trợn (không thể gọi là gian lận)- thì phải lãnh mức nào cho tương xứng. Nhưng mà thôi, chuyện ở tầm vĩ mô. Gác bực sang một bên để làm việc khác.


Có việc phải đi. Vừa phóng xe ra khỏi hẻm đã thấy một người chạy ngược lại vừa chỉ vào xe mình vừa hét "chống xe". Chưa kịp hiểu việc gì và nghe nó nói to quá nên thoáng hoảng hốt. May mà nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Thì ra nó nhắc mình gạt chân chống xe lên. Định nói lời cảm ơn nhưng nó đã lẫn trong dòng người xuôi ngược. Thấy vui vui vì bất chợt vẫn có thể nhận được lòng tốt của một người rất lạ.



Đi một đoạn khoảng chừng 800m thì thấy một chiếc xe máy áp sát xe mình, khi hiểu ra sự thật thì sợi dây chuyển trên cổ mình đã nằm trong tay bọn cướp giật. Ớ lên một tiếng vì bị bất ngờ. Người đi đường không ai biết vừa có một vụ cướp vừa xảy ra bên cạnh họ. Không có phản ứng gì vì đó là một sợi dây bằng i - nox. Một ngày xui cho bọn nó. Thằng nhóc ngồi sau xe còn quay lại nhìn, cái mặt nhâng nháo. Thằng cầm lái cũng chẳng vội vàng, cứ tà tà chạy. Nghe nói bọn nó phát hiện ra đồ giả sẽ quay lại đánh mình nữa chứ chẳng chơi nên mình còn cố ý chạy chậm lại để cánh xa bọn chúng hơn. Hơ Hơ. Bị mất đồ mà sợ tụi nó nữa chứ. Bây giờ nghĩ lại, sao không nhìn cái biển số xe của nó nhỉ? Chuyện xảy ra không buồn, không bực, nhưng thấy sợ. Làm sao phân biệt được những người đang đứng cạnh mình ai tốt ai xấu để mà đề phòng???????????????????
01:29 13 thg 10 2012

EM...

Em là một người bạn, dù ít tuổi hơn tôi. Em cứ chợt đến rồi đi khiến lòng tôi bâng khuâng, nhung nhớ. Nếu em đừng hiền lành, đừng nhẹ nhàng, đừng dễ thương... thì tôi đã chẳng nhớ em nhiều đến vậy
18:08 28 thg 8 2012

NGƯỜI ẤY CỦA TÔI

Tôi để ý đến Ấy khi biết mình chỉ có thể chọn Ấy. Thời kỳ những năm 80 của thế kỷ trước, người ta chuộng hình mẫu khác: phải là doanh nhân hay bác sĩ. Tuýp như Ấy đơn độc và lẻ loi lắm. Vì nghèo, vì chẳng có địa vị gì trong xã hội cả (mặc dù sang thế kỷ 21, tình hình cũng không mấy khả quan).
Ba mẹ tôi không có ý kiến gì khi biết tôi chọn Ấy, nhưng nhìn vẻ mặt biết ngay là không hài lòng. Chỉ tặc lưỡi: "Tùy con". Nhưng kết với Ấy được khoảng 2 năm, một lần tình cờ (hay bức xúc) ba tôi nói: "chẳng hiểu sao con lại chọn nó?". Tôi cũng đã thấy nản: "hay là thôi, con bỏ, ba nhé!". Ba bảo: "Ba nói vậy thôi". Lại duy trì kết với Ấy thêm 2 năm nữa. Kết thúc 4 năm tìm hiểu, từ đây xác định "sống chung" với Ấy.
Thời gian đầu, Ấy mang về cho tôi 60.000đ/ tháng (chẳng nhớ thời điểm năm 1991 mua được bao nhiêu vàng??? hô hố), nhưng sống ở tỉnh lẻ, lại chẳng có nhu cầu mua sắm gì nên cũng chẳng thấy thiếu - thừa gì cả. Nghĩa là vừa đủ (Biết đủ là đủ, chứ biết bao nhiêu là đủ. Rối nhỉ). Sau này chuyển vào SG, lương có thay đổi, mỗi tháng Ấy nhét vào túi tôi 120.000, nhưng chi tiêu ở cái đất đắt đỏ này với mức ấy thì phải bóp mồm bóp miệng thật chặt. Nói thì nói vậy chứ chưa đói ngày nào (ơn Trời, không bị đau ốm đấy).
Theo năm tháng, số tiền Ấy đem về cho tôi có tăng thêm, nhưng chạy không kịp giá cả. Lại thêm nhiều khoản chi tiêu phát sinh. Đôi khi đã nảy sinh sự so sánh Ấy với những kẻ khác.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nào, vì lý do gì cũng vẫn không rời Ấy (không rõ là sợ thay đổi hay không có cơ hội)
Đi học thêm ĐH bằng 2, ngành Kế toán, với hy vọng sẽ làm nên một cái gì đó. Nhưng lãnh cái bằng về rồi cất kỹ trong tủ. Kiến thức rơi rụng hết, bây giờ chỉ nhớ mỗi tài khoản 111 là "Tiền mặt". (đang mếu đây nè)
Có con bạn thân, nó xa xả: tao không hiểu nổi, người có 2 bằng đại học như mày lại cam chịu cuộc sống như vậy. Nghe, nhưng không nhớ lâu.
Có thằng bạn đồng nghiệp, nó thẳng thắn: chị cần tiền để lo cho gia đình hả, sao chị không thử thay đổi đi. Nghe, nghĩ, nhưng để đó, chưa có dự tính gì.
Con gái chính là động lực đưa mình đi đến quyết định cuối cùng.
Thế là sau 4 năm tìm hiểu + 14 năm sống chung với Ấy, mình đã quyết định chia tay Ấy để......mong một lần có thể ngẩng mặt với thiên hạ. Cũng bùi ngùi lắm, cũng trăn trở lắm, nhưng hoàn cảnh nó đưa đẩy (lại hoàn cảnh).
Mọi người thông cảm cho tôi nhé, đừng lên án, đừng trách tôi là kẻ phụ bạc.

Xa Ấy đã mấy năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ như in những nét đặc trưng của Ấy với những kỷ niệm vui buồn không thể nào quên.

Ấy là cái NGHỀ đầu tiên mà tôi đã chọn đó các bạn
19:23 28 thg 8 2012

SẮC HOA MÙA VU LAN

14 và rằm tháng 7, chùa nào cũng đông nghịt người. Mọi người ngoài lễ Phật còn dự lễ Khóa Vu Lan.
Ai đến chùa cũng được cài lên ngực một bông hoa hồng. Có ba màu mang những ý nghĩa khác nhau: màu đỏ dành cho những ai hạnh phúc còn đầy đủ cha mẹ, màu hồng cài lên ngực những người chỉ còn mẹ và màu trắng... nặng trĩu nỗi lòng những kẻ chẳng còn cha mẹ, thậm chí nếu chẳng may không còn mẹ ở trên đời. Đúng là, mất mẹ là mất tất cả.

Thầy trụ trì bảo: bông hồng cài trên ngực áo sẽ là lời nhắc nhở mỗi chúng ta phải luôn luôn sống làm sao cho đúng đạo làm con, phải biết kính trọng, yêu thương và hiếu thảo với cha mẹ, để sau này không phải ân hận.
Quyết chọn một bông hồng màu đỏ thắm, dù..... Với mong ước như luôn được sống trọn vẹn trong tình yêu thương của cả ba và mẹ
Lòng xốn xang, nhớ mẹ vô cùng.
14:56 30 thg 8 2012 

TRỞ VỀ TUỔI THƠ


Một buổi sáng du lịch lên đồi Mộng Mơ - Đà Lạt. Chụp ảnh chán chê, leo hết dãy Vạn lý Trường thành (của Đà lạt) vẫn chưa đến giờ ra xe. Bước chân lang thang dẫn lối đến "Nhà truyền thống" của Ngân hàng SACOMBANK cũng nằm trong khuôn viên khu danh thắng này.
Cô nhân viên trực đon đả mời mọi người vào tham quan. Một dãy tủ kính dài trưng bày rất nhiều loại tiền của Việt Nam qua từng giai đoạn. Bất chợt nhận ra tờ tiền giấy MỘT HÀO màu tím rất thân quen (loại tiền được phát hành năm 1972). Kỷ niệm ùa về.

Ngày bé thơ, mỗi khi tết gần kề, chị em tôi và những đứa trẻ cùng lứa rất háo hức. Chúng tôi mong đến Tết để được mặc quần áo mới, được ăn mứt tết và được mừng tuổi. Quần áo được may bằng vải phin, chỉ điểm vài bông hoa bé xíu, cổ là sen là kiểu phổ biến; Mứt tết mua theo tiêu chuẩn, mỗi gia đình chỉ được mua một hộp cỡ nửa kg, bên ngoài in lòe loẹt với hai màu chủ đạo xanh - đỏ, hình hoa lá và một dòng chữ "chúc mừng năm mới". Bên trong hộp mứt là một túi nilong gồm đủ loại: nào mứt, nào kẹo cứng, nào kẹo mềm và có cả kẹo "Trứng chim" nữa. Nghe vui nhỉ? Lũ con nít khoái nhất là kẹo này. Đó những viên kẹo có nhân là một "hạt lạc" - gọi theo kiểu Miền Bắc - bên ngoài bọc đường và vo tròn giống như một quả trứng chim bồ câu. Chả thế mà mọi người gọi là kẹo "trứng chim". Nhưng không phải muốn ăn bao nhiêu cũng được đâu nhé. Phải chia đều đấy. Chỉ cần có đứa hơn 1 viên là đứa khác tị nạnh ngay.
Sáng sớm mùng 1 Tết, chẳng ai bảo ai, chị em tôi đều dậy sớm để... được mặc quần áo mới và được mừng tuổi.
Bây giờ bọn con nít (ấy ấy, tôi không nói tất cả đâu nhé) quần áo thừa thãi, mặc chưa kịp cũ đã bỏ nên chẳng có cái cảm giác háo hức ấy. Tiền "lì xì" chúng chỉ quan tâm ít - nhiều chứ không được ba mẹ nói cho biết ý nghĩa của vật vừa được tặng.
Hồi đó, ở Miền Bắc, người ta thường nói "mừng tuổi" chứ không dùng từ "lì xì" và cũng không bỏ tiền vào những phong bao màu đỏ. Chẳng rõ 2 chữ "lì xì" có nghĩa là gì, lai Tàu là cái chắc, người ta cứ nói theo thành quen và bây giờ ở miền nào cũng một cách gọi như nhau.
Xúng xính trong những bộ quần áo mới, mặc dù có đứa đũng quần dài tới gần đầu gối, có đứa tay áo phải xắn lên thành một cục mới lòi cẳng tay ra... nhưng đứa nào cũng hớn hở lắm, lại còn hãnh diện khoe với mấy đứa bạn nhà bên cạnh nữa.

Từ trước Tết, mẹ đã chuẩn bị những tờ tiền mới cứng để mừng tuổi cho các con. Mỗi đứa chỉ được 1 tờ, loại tiền MỘT HÀO màu tim tím, không có ai được 2 tờ đâu nhé dù là đứa được yêu quý đến cỡ nào đi nữa (những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, miền Bắc và miền Nam dùng hai loại tiền khác nhau nên loại tiền này chỉ có ở miền Bắc. Và tôi còn nhớ, 1 hào vào thời điểm đó mua được một gói xôi ăn sáng). Mẹ bảo, đây như là một cách ba mẹ gửi đến cho các con những điều may mắn nhất.
Trước khi trao tiền mừng tuổi, ba tôi bao giờ cũng xoa đầu từng đứa và dặn dò: các con cố gắng học giỏi, ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ và cô giáo nhé (vì không có đứa nào học thầy cả). Câu nói ngắn gọn, chúng tôi thuộc lòng và nhớ mãi không bao giờ quên.
Nhận được tiền rồi, chúng tôi hỉ hả lắm. Từ một xấp tiền nhỏ mẹ phát ra nhưng con em gái tôi nó cứ khăng khăng là tiền của nó mới hơn, rồi thằng em trai lại phân bì sao tiền của nó bị một nếp gấp ở ngay góc (ấy là do nó cầm làm sao để bị cong đó chứ).
Tôi thấy tờ tiền mới đẹp làm sao và rất thích ngắm nhìn mặt có in hình một cô chăn nuôi đang cho lợn ăn. Sau này chúng tôi vẫn vô tư gọi đó là tiền có hình con lợn.
Cầm chơi một lát, đứa nào đứa nấy đều đưa cho mẹ nhờ cất hộ (nhưng cũng chẳng thấy mẹ trả lại tờ nào cả, hơ hớ)

Nhớ lắm một thời ấu thơ!

10:55 8 thg 9 2012

19 NĂM

17/9/2012 là vừa đúng 19 năm mình về sống chung với một... người dưng, khác họ và trở thành người một nhà.
Cô con gái duy nhất là động lực giúp chúng mình vượt qua bao sóng gió, lướt qua mọi gian khổ để có được ngày hôm nay.
Vẫn còn nhiều dự tính, vẫn còn bao ước ao, nhưng mỗi sớm mai thức dậy, thấy cả gia đình tíu tít bên nhau, háo hức cho một ngày mới là thấy hạnh phúc lắm rồi.
13:39 17 thg 9 2012

LẦN ĐẦU ĐẾN PHÚ QUỐC

Cách đây đúng 1 tháng – ngày 5/9/2012, có một chuyến du lịch đến huyện đảo Phú Quốc. Tour 3 ngày 2 đêm.
Ngày thứ nhất
Chắng biết nhà tổ chức du lịch tính toán thế nào mà họ quy định: 4g30 sáng khách phải có mặt ở sân bay để làm thủ tục bay chuyến 5g45.
Mưa từ nửa đêm, sáng ra vẫn còn rả rích. Thời tiết xấu nên giờ bay phải hoãn lại đến 6g15.
Máy bay Sài Gòn – Phú Quốc hạ cánh sau gần 1 giờ bay. Vừa trải qua một trận mưa lớn nên đường băng ướt sũng nước, trời ảm đạm.
Dù tiết trời không đẹp, nhưng sự háo hức khiến cho mọi người quyết định vẫn tiến hành đến từng điểm tham quan đúng theo lịch trình.
Ra Phú Quốc mà không đi thăm Bắc đảo, tắm biển Gành Dầu, ngắm vùng biên ải của Tổ quốc, nơi vùng biển giáp ranh gần nhất với nước bạn Campuchia là một thiếu sót lớn. Đây cũng chính là điểm đến đầu tiên trong tour của chúng tôi.
Từ thị trấn Dương Đông, xe đưa chúng tôi ngược lên Bắc đảo, băng qua vùng Cửa Dương, Cửa Cạn. Rong ruổi theo đường đất đỏ khoảng chừng 20km thì xe như “lọt thỏm” vào vùng cây lá rậm rạp. Nơi đây được ví như thảm thực vật khổng lồ tươi tốt, không khí mát mẻ, trong lành và cũng rất âm u. Đường đất xuyên rừng nguyên sinh dẫn đến đền thờ Nguyễn Trung Trực - vị anh hùng nổi tiếng với câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Mọi người vào thắp hương tưởng nhớ và đóng góp chút ít vào thùng công đức.

 Rời đền thờ Nguyễn Trung Trực, chúng tôi đi tiếp ra bãi Gành Dầu thuộc xã cùng tên. Đứng từ mũi Gành Dầu, bạn có thể trông thấy hòn Nần hay Kaoh Ses và núi Tà Lơn của nước bạn Campuchia. cách đó khoảng 4km.  
Bên bãi biển Gành Dầu có cái quán tên rất độc đáo: “Biên Hải Quán”, đúng với địa điểm của nó. Ông chủ “Biên Hải quán”, có cái tên ngồ ngộ là Út Trà Đá, người vùng Hòn Đất ra đây lập nghiệp. Ông già 69 tuổi này biết đủ thứ chuyện của vùng Bắc đảo, có tài kể chuyện và hát vọng cổ. Khi có khách là ông cầm đờn ngồi ca cải lương tài tử vừa thể hiện sự yêu thích văn nghệ của mình, vừa giúp vui cho thực khách. Ai đã từng đến đây thì sẽ rất ấn tượng với hình ảnh này. Trong Biên Hải Quán có bán mực tươi, cá tươi, tôm tươi, sò tươi và con Cầu Gai- người bản xứ hay gọi đó là con “Nhum”, có hình dáng tròn tròn đen, gai dài, có thể ăn theo cách nướng chín hoặc vắt chanh ăn sống (20.000 – 25.000 đồng/con). Người ta bảo con Nhum ăn rất ngon và giàu dinh dưỡng. Nó bổ như thế nào thì không biết, chứ bản thân tôi chẳng thấy ngon (cũng thử đến 2 con chứ ít gì. Hí hí). Ở đây còn bán muối tiêu dinh dưỡng. Chẳng hiểu nó có “dinh dưỡng” gì. Chỉ biết đó cũng chỉ là một thứ gia vị gồm muối và tiêu mà thôi.
 Mọi người do phải dậy sớm và đi xe nên thấm mệt, lúc này chỉ muốn được ngủ một giấc.
Xe ghé nhà hàng ăn trưa rồi về Resort nhận phòng.
3 giờ chiều mọi người lại lên xe, đi tiếp. Trời đã hanh hanh chút nắng nên buổi tham quan khá lý tưởng. Điểm đến là một cơ sở làm nước mắm, nằm ở một nơi hẻo lánh. Cơ sở vắng hoe, chỉ có vài người bán hàng. Mùi nước mắm nồng nặc như bám vào quần áo và đầu tóc. Không có gì thú vị và cũng chẳng có ý định mua sắm gì ở đây. Rời chỗ bán mắm, xe chạy đến chỗ bán tiêu. Hồ tiêu Phú Quốc có thương hiệu riêng. Những quả chín gọi là tiêu chín (tiêu đỏ), những quả còn xanh sau khi phơi khô được gọi là tiêu cội (tiêu đen). Do nhu cầu của thị trường, người ta đã dùng tiêu đen tẩy bỏ vỏ chỉ còn lại phần lõi hạt gọi là tiêu sọ. “Cơ sở” cũng đìu hiu. Gọi “cơ sở” cho sang chứ thực ra đây là nơi “tự sản, tự tiêu”. Nhân viên bán hàng là hai mẹ con chủ nhà. Muốn mua tiêu xanh (tươi) thì ra vườn tự hái, mang vào cân rồi tính tiền. Tiêu khô loại trắng và đen đã đóng gói sẵn. Có gói nửa ký, có gói 1 ký. Muối tiêu được đựng trong từng hũ nhỏ, xếp đầy tủ kính. Không rõ chất lượng, nhưng so với Biên hải Quán thì đắt hơn 5.000đ/hũ. Mọi người rủ nhau: để ra chợ mua.
Chúng tôi đến Suối Tranh. Khung cảnh giống y như ở Thác Datala Đà Lạt. Trời đã về chiều.
Ghé làng chài Hàm Ninh. Trong bữa cơm tối, cả đoàn được thưởng thức thêm hải sản tươi ngon: ốc và ghẹ luộc, tôm tít chấy tỏi. Ngon hết xảy.
Mưa vẫn mưa, chẳng ai có dự định đi đâu cả. Và hình như ai ai cũng đều rúc trong tổ của mình.
Vậy là hết một ngày.
Ngày thứ 2
Sáng, trời ráo, đi dạo dọc bờ biển, cảm nhận cái không khí trong lành của một buổi sớm mai trên một vùng đất mới.
Gió biển ở đây có điểm lạ: không mang hương vị mặn, cũng chẳng làm rít da và xơ tóc.
Rồi mưa lại ập về. Nhiều người hỏi: sao lại đến Phú Quốc vào mùa mưa gió này. Không biết, chỉ biết rủ là đi. Đi cho biết đó biết đây chứ bỏ lỡ dịp này thì đến khi nào mới có cơ hội. Quả thật là như thế.
Mưa vẫn không làm thay đổi kế hoạch của đoàn. Vẫn đi. Chỉ thay đổi lộ trình.
 Trước tiên đến thăm nơi bán ngọc trai. Vào xem thôi chứ chắc chắn không mua rồi. Chuỗi hạt đeo sát cổ, loại tàm tạm cũng có giá vài triệu bạc. Các cô bán hàng ở đây nhiệt tình đến nỗi cứ lẽo đẽo theo chân khách hàng suốt và ra sức chào mời, khiến cho mọi người cảm thấy ngại và bỏ dở cuộc ngắm nghía.
Ghé thăm điểm bán rượu sim - loại rượu đặc sản của Phú Quốc. Cây sim có ở nhiều nơi, nhưng tôi mới chỉ thấy ở Phú Quốc sim được làm thành rượu. Nhiều người mua về làm quà.
Điểm đến kế tiếp là nhà tù Phú Quốc, nhưng nghe anh chàng hướng dẫn viên nói rằng, di tích nhà tù nay chỉ còn là tấm bia, mọi cái đều được xây mới thì mọi người quyết định bỏ qua điểm này và đi vào thị trấn An Thới. Nơi đây có Bãi Sao là một vùng biển đẹp. (Nhưng hôm chúng tôi đến, nó cứ xám xịt trong mưa gió). Từ đây, chúng tôi đi tàu ra đảo San hô, ăn trưa, câu cá và lặn ngắm san hô. Thú vị đấy, nhưng thấy biển nước mênh mông, màu trời ảm đạm mà sợ, mà ngại. Song nếu không đi theo đoàn thì biết ngồi lại với ai và làm gì cho hết 4 tiếng chờ đợi. “Nhắm mắt” đi vậy. Cũng may, khi chuẩn bị lên xuồng thì trời tạnh. Chiếc xuồng nhỏ đưa đoàn ra tàu đang neo cách đó vài chục mét.
Ngồi yên vị trên tàu được chừng 10 phút thì mưa lại xối xả. Tội nghiệp đoàn đi sau bị ướt và lạnh. Trên xuồng và trên tàu, tìm đỏ con mắt mà chẳng thấy cái áo phao nào cả. Nghĩ lại mà hoảng.
Một buổi lắc lư trên tàu cũng khiến mọi người bỏ qua điểm tham quan cuối cùng: Dinh Cậu.
Tối cuối cùng ở Phú Quốc, mọi người hẹn nhau: Có mưa cũng đi chợ đêm nhé.
Mưa còn dữ dội hơn tối hôm trước. Gọi 1 chiếc taxi 7 chỗ, 8 người leo lên. Loáng cái là tới chợ.
Chắc trời mưa nên nhiều gian hàng nghỉ sớm. Chỉ có khoảng chục gian hàng bán đồ lưu niệm và vài ba quán bán hải sản tươi sống. Nếu chế biến và ăn tại chỗ thì trả tiền công 30.000 đ/kg. 8 người ủng hộ chủ quán 2 đĩa sò điệp (mọi người cứ khen sò điệp ở đây ngon và rẻ quá chừng: cỡ 13 con/ đĩa/ 50.000), 2 đĩa mực, mấy chai bia hết khoảng gần 500 ngàn.
Vòng ngọc trai ở chợ bán chỉ 300.000 đồng. Rẻ quá cũng không mua. Hehe.
Lượt về, trời quang mậy tạnh và thấy đoạn đường cũng không xa, mọi người quyết định cùng nhau đi bộ. Vừa đi vừa nói chuyện và cười vang cả đường.
Ngày thứ 3
Xe đưa đoàn ra sân bay vào lúc 7g15 nên mọi người ăn sáng xong là vội vàng trả phòng. Chẳng còn thời gian để mà lưu luyến.
Vật vờ ở khu vực chờ khá lâu.
8g50 bay, 10g30 có mặt ở nhà. Kết thúc một chuyến du lịch đáng nhớ.

HÃY NÓI YÊU THƯƠNG

Hãy lắng nghe nhịp thở của trái tim
Để cảm thấy ngọt ngào ta đang có
Vì thời gian không bao giờ quay lại nữa 
Hãy nói yêu thương cho cuộc sống đong đầy

Mở rộng tâm hồn để đón nhận thương yêu
Bình dị thôi nhưng ngập tràn hạnh phúc
Chỉ thời gian mới nhận ra đích thực
Giá trị của tình yêu to lớn thế nào

Dù niềm vui hay nỗi buồn đau khổ
Bất cứ khi nào bạn hãy nhớ đến tôi
Khi sẻ chia niềm vui sẽ nhân đôi
Còn nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa

Tôi sẽ nói yêu... không chần chừ nữa!
Biết cho đi sẽ 
hạnh phúc vô ngần 
Đón nhận hay không, tôi cũng chẳng phân vân
Yêu thật nhiều sẽ được yêu mãi mãi

Chỉ một phút thôi để chào đón sớm mai
Sẽ thấy tâm hồn thật bình yên vô kể
Tự nhủ lòng sao mình yêu đến thế
Cuộc sống ngọt ngào, khi mở rộng trái tim.

06:50 11 thg 9 2012

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2011

2010 đã qua.
Đón 2011 về trong tiết trời mát mẻ.

Một thiên niên kỷ mới lại mở ra với vô vàn những điều thú vị đang ở phía trước.
Mong sao cuộc sống này luôn bình an, tươi đẹp và hạnh phúc
 14:11 1 thg 1 2011

CHỢT THẤY - NGHĨ VÀ CẢM NHẬN

Mỗi ngày đi lại trên những con đường thân quen, mọi thứ tưởng như đã trở nên "xưa cũ".
Nhưng có một ngày, hình ảnh chiếc bình nước bên hè đường làm cho mình phải chú ý. Chiếc bình làm bằng inox, có khóa vòi và treo bên cạnh là một cái ca. Cũng chắc có gì khác lạ nếu như chiếc bình đó không gắn tờ giấy ghi đậm 2 chữ rất lớn: "MIỄN PHÍ".
Trên đường đời, có ai tránh được những lúc cơ nhỡ. Một chút nước giúp người qua cơn khát thật có y nghĩa biết bao.

HAI MẶT CỦA MỘT BỨC TRANH ĐỜI THƯỜNG

Một ngày cuối năm hối hả với những công việc còn đang dang dở, những dự định mua sắm Tết cho gia đình nhưng vẫn không quên dành một khoảng thời gian giữa trưa, tranh thủ chạy đến Trung tâm ung bướu để tham gia vào công việc tặng quà cho những bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Ngoài đường, nắng xuân nhẹ nhè. Giữa dòng người ngược xuôi có rất nhiều người chở quà Tết, nét mặt rất hớn hở..... Và đây, trong khuôn viên bệnh viện thấp thoáng những nét mặt đăm chiêu buồn rười rượi. Những đứa trẻ đầu nhẵn bóng (do đã qua hóa trị) vô tư chạy nhảy, những ông bố bà mẹ bế trên tay đứa con yếu ớt, những bệnh nhân ngổi chờ khám, xét nghiệm..... chắc họ cũng chẳng đoái hoài đến một cái Tết đang ở rất gần. Lòng chợt thấy nao nao.
Phiếu nhận quà đã được phát từ tối hôm qua đến tay từng bệnh nhân. Tất cả 500 phiếu. 10 giờ đến nơi (như lời nhắn) đã thấy rất đông người chờ sẵn ở đó. Quà chưa chở về kịp. Họ vẫn kiên nhẫn ngồi chờ, xếp ngay ngắn thành 3 hàng dọc. Mỗi phần quà (chỉ kịp nhìn thoáng qua) có: mì gói, 1 hộp sữa đặc, bánh sack, bánh mì chà bông.... nhưng sao thấy tràn đầy ý nghĩa của "một nắm khi đói bằng một gói khi no" và "lá lành đùm lá rách".

Chợt nghĩ nghĩ đến những buổi tiệc tất niên (và sắp tới là tân niên), người ta  rót, rồi ép, rồi đổ cho tràn, rồi bỏ thừa bỏ mứa.... bất kể bao nhiêu tiền miễn là vui là được "thể hiện" mình.
Hai mặt sáng tối của một bức tranh  
06:51 22 thg 1 2011                     

NGƯỜI ĐỜI

Sau tết là mùa lễ chùa chiền. Từ ngày 8 Tết các chùa bắt đầu cúng sao và cúng cầu an cho phật tử và khách đến làm lễ tại chùa.
Tại một ngôi chùa khá được nhiều người đến viếng và dự lễ.
Ngày nào cũng vậy, lễ bắt đầu vào lúc 18g nhưng 17 giờ đã có nhiều người đến để chọn cho mình một chỗ ngồi theo ý. Một việc làm hay.
Chùa khá rộng song buổi lễ nào cũng chật cứng người. Xen lẫn áo lam có rất nhiều áo thun, áo kiểu, quần dài, quần lửng và.... váy. Có vài vị dẫn theo trẻ em (mà trẻ em thì ít chịu ngồi im, huống hồ phải ngồi nhiều giờ gò bó). Nét trang nghiêm bị ảnh hưởng.
Cuối buổi lễ, các thầy phát lộc. Lộc thường là chai nước suối hay quả quýt đã dâng cúng Phật. Có một điều đáng suy nghĩ là từ buổi phát lộc tối 12 tháng Giêng, tất cả các chai nước suối hiệu Lavie đã đều bị bóc hết nhãn (vì bên trong có thẻ cào trúng thưởng). Tất nhiên chỉ người phàm mới làm thế. Phảng phất ưu tư. Lại nữa., rút kinh nghiệm những lần trước phát quà tại một điểm (nên mọi người chen lấn nhau rất mất trật tự, chưa kể có người còn đến nhận lộc mấy lần. Vì ai mà nhớ mặt hết được!!!!), mấy  dịp gần đây, các thầy đến trao lộc tận tay cho từng người. Thế mà vẫn có kẻ ma lanh, sau khi nhận lộc xong vội dấu biến ngay sau lưng và giơ tay xin lộc lần nữa. "Không THAM - SÂN - SI" - Bài thầy dạy đã bị quên lãng.
Giờ tan lễ, cảnh chùa thật nhốn nháo. Người ta chen nhau lên chánh điện để bái lạy; chen nhau tìm giày dép. Nhà chùa luôn kêu gọi mọi người hãy trật tự, không được lấy dép của người khác, không được tự ý lấy lộc trên tháp lễ vật, trên trang thờ. Đôi chỗ còn dán giấy ghi rõ "nước cúng Phật không được tự ý lấy". Ôi buồn. Thì phải xảy ra chuyện rồi mới có lời dặn như thế.
Đến cửa Phật mà còn lấm nhiều bụi trần như thế thì ....
Ôi người đời!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!
05:25 16 thg 2 2011

SÀI GÒN MƯA

Anh đã thấy cơn mưa đầu mùa hạ
Về bên em khi gió chuyển giao mùa
Trời Sài Gòn dễ thương là thế đó
Nắng nóng nhiều sẽ có những cơn mưa

Anh yêu Sài Gòn qua những cơn mưa
Mưa vừa đủ cho lòng người dịu mát
Mưa về trưa cho phai màu nắng nhạt
Mưa về chiều để tím biếc hoàng hôn
Hồ Thanh
(Thế giới phụ nữ số 28/2010)
02:44 23 thg 3 2011

TRỞ VỀ TRƯỜNG XƯA

Tôi trở về đây tìm lại dấu chân xưa
Lối cũ bờ đê những tháng ngày đến lớp
Hoa cỏ may dùng dằng vương nhịp bước
Ngút mắt nhìn đồng lúa chín mênh mông

Tôi trở về đây tìm hơi ấm chiều đông
Màu mực tím trên từng trang giấy mới
Gió tháng Chạp hút đồng xa thổi tới
Tuổi học trò năm tháng vẫn chưa phai

Tôi trở về đây cùng với tháng Giêng, Hai
Hứng mưa bụi vườn xuân thơm ngào ngạt
Nơi tôi ươm ước mơ theo cùng câu hát
“Gieo hạt giống tâm hồn cho đất nước ngày mai”

Tôi lại về thắp sang những tương lai
Bằng bài ca của người thầy giáo
Hướng cho em thơ trong cuộc đời giông bão
Tìm thấy con đường lấp lánh những Vì sao

 Nguyễn Thị Kim Nguyên ( Khoa GDTC & TC - ĐH Sao đỏ)

VIET NAM - BANGKOK DU KÝ

Hè năm nay, ngoài chương trình du lịch chung với trường, khoa còn tổ chức thêm một chuyến du lịch riêng với hành trình Việt Nam - Bangkok 6 ngày 5 đêm (từ 26/7 - 31/7/2011). Nói là 6 ngày, nhưng thực chất ngày đầu tiên, mọi người có mặt tại sân bay vào lúc 17g25 ???. Cũng đã vào cuối ngày rồi. Chờ..... làm thủ tục gửi hành lý, làm thủ tục xuất cảnh, rồi lại chờ. Đến 20g20 máy bay mới cất cánh.
Đoàn được đi trên chuyến phi cơ của Thổ Nhĩ Kỳ (TUK). Các cô tiếp viên thật hấp dẫn hành khách bởi cô nào cũng có chiều cao lý tưởng và có nét đẹp gây ấn tượng. Chuyến bay chỉ hơn 1 giờ đồng hồ nên sau khi ổn định độ cao, được ăn nhẹ là đã thấy lục tục chuẩn bị hạ cánh.
Bangkok đang mưa. Dù nhỏ thôi cũng làm cho mọi thứ nhạt nhòa trong ánh đàn đêm.
Khác với lần trước đi một mình và là lần đầu tiên xuất ngoại có nhiều bỡ ngỡ, lấn này đi chung đoàn và có hướng dẫn viên nên cứ thong thả. Sao mà sân bay khác quá (đến Thái cách đây 8 năm rồi, chắc cũng mới sửa như Tân Sơn Nhất ấy). Thực ra, sau này qua lời Quang (hướng dẫn viên bên Thái) mới biết, đây là sân bay được xây mới hoàn toàn, không phải sân bay Don Muong (nay chỉ làm sân bay nội địa). Đươc giới thiệu là nó lớn gấp 6 lần sân bay cũ.
Thật choáng ngợp
Lại chờ làm thủ tục nhập cảnh. Rồi đi nhận hành lý. Ra đến cổng đã thấy xe chờ sẵn.
Nghi thực đón du khách theo đoàn ở đây rất hay. Trước cửa xe, một cô gái trang điểm đậm, trong trang phục truyền thốn của Thái, cổ đeo rất nhiều những dây hoa lan tím (loài hoa biều trưng của nước Thái)
06:40 2 thg 8 2011

VĂN HÓA TRONG ĐỜI SỐNG

1. Văn hóa ăn uống
 Câu chuyện thứ nhất: Bữa tiệc Buffet

Hôm ấy, nhân kỷ niệm ngày....., và nhân một chuyến du lịch.
Tiệc buffet nói theo kiểu "Người Việt Nam nói tiếng Việt Nam" thì đó là một bữa ăn tự chọn. Tự chọn thì cứ tự lấy cho mình thôi, sao lại cứ lấy giùm, lấy luôn "một thể" cho người khác (mà chắc gì họ đã có ý định ăn món đó). Thế là nài nhau ăn phụ cho hết. Nhà hàng chuẩn bị rất nhiều món ăn, tất nhiên để phục vụ cho rất nhiều đối tượng: ai thích ăn rau, có: gỏi, salad; ai không ăn được thịt bò thì cứ việc ăn cá; ai kiêng cữ hải sãn thì ăn thịt heo, thịt gà... Món ăn rất phong phú và đa dạng giúp cho thực khách dễ dàng chọn món hợp khẩu vị nhưng cũng khiến cho nhiều người lâm vào cảnh lỡ lấy rồi (mà lấy thật nhiều mới chết chứ) nhưng nuốt không nổi đành phải bỏ thừa bỏ mứa. Thật ái ngại cho họ khi những nhân viên dọn bàn "xỉa" vào họ những ánh nhìn thiếu thiện cảm. Chưa hết, những món ngon thì giành nhau, lấy cho thỏa... chẳng đoái hoài gì đến những người còn đang chờ ở phía sau.
Một vài nơi có cảnh báo "bỏ thừa thức ăn sẽ bị phạt". Xem ra họ không biết đọc những chữ này và cứ ... "vô tư đi"

Mới đây, trên một tờ báo, đề cập đến vấn đề này,  tác giả bài viết đã giật một cái tiêu đề thật "ấn tượng khó phai": "NGỒI XỔM" TRONG TIỆC BUFFET. Sao mà chua cay thế
Ông bà ta có câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Học ăn là bài đầu tiên đó.

2.Văn hóa ứng xử
Chuyện thứ nhất: Quyền lợi

Có rất nhiều chuyến xe cùng xuất phát tại một bến và đến cùng một điểm. Để dễ quản lý, nhà tổ chức đã đánh số cho từng xe và phân chia ai sẽ lên xe nào. Nhưng đến giờ G, mọi chuyện diễn ra không đúng như dự định. Những người ở gần, đến sớm, họ tranh thủ nhảy lên xe trước và bắt đầu xí chỗ. Hồi xưa xếp hàng mua hàng ở mậu dịch quốc doanh, người ta lấy cục gạch, cái nón lá đặt vào hàng, thay cho một người đứng xếp hàng. Còn ngày nay họ đặt cái túi du lịch giữa lằn ranh của 2 chiếc ghế cùng hàng. Ai lên sau tự hiểu nhé:
Có chủ rồi đấy (dù chả biết họ là ai). Một số người lầm bầm, tiến về những hàng ghế sau. Nhưng cũng có vài người không chịu lép. Có tên ở xe này nhưng họ vẫn nhảy lên xe kia vì bên ấy còn chỗ tốt. Nhà tổ chức đau đầu vì điểm danh hoài mà vẫn thấy thiếu mặt (họ có mặt ở đấy đâu). Thế là lại phải gọi điện sang xe kia xem có ở bên đó không.
Ở chốn đông người thì cái tôi được thể hiện rõ nhất

Chuyện thứ 2: Giơ tay biểu quyết
Cuộc họp đi vào hồi cuối, chủ tọa dõng dạc: "nào bây giờ chúng ta sẽ chọn ra 2 người tiêu biểu nhất đề nghị cấp trên khen thưởng nhé" (sao lại 2 người nhỉ, thì chỉ tiêu chỉ có thế, phòng nào đông nhân viên hơn thì được chọn 3 người. Ối giời
). Có một ai đó cất giọng: "tôi thấy phòng ta có anh X, chị Y là xứng đáng nhất". Chủ tọa tiếp lời: "ai đồng ý thì giơ tay lên" và bắt đầu đếm: "một, hai". Lúc đầu chỉ có thế, nhưng rồi từ từ một vài cánh tay khác ngập ngừng giơ lên (người ta đang nhìn mình kìa, không giơ cũng thấy kỳ ??????)
Và tiếp: "năm, sáu, bảy, tám,.... chín, chị Z thì sao, có đồng ý không. Mười. Như vậy  mười trên mười chín là quá bán (hơn 1/2) rồi. Thư ký ghi vào biên bản nhé". Buổi họp kết thúc.
Những người tự ép lòng để giơ tay nét mặt cứ đăm đăm. Những người được bầu chọn cũng chẳng hớn hở chút nào. Ai đáng trách đây


3.Văn hóa giao thông
Chuyện thứ nhất: Trông người mà nghĩ đến ta

7/2011, đến Thái Lan lần thứ 2. Đường xá ở Bangkok so với hồi 2003 cũng chẳng có nhiều thay đổi. Vẫn xe "bốn bánh" là chủ yếu và nhiều vô kể như ngày nào.  Trên đường phố, hầu như chẳng nghe thấy tiếng còi xe. Bác tài chỉ bấm còi khi muốn báo hiệu sự nguy hiểm mà thôi. Ở Pattaya, những ngày mới đến, mỗi khi đứng gần trụ đèn giao thông tôi thường nghe những tiếng "tít tít" lên hồi. Thì ra cái trụ này nó "thông minh" lắm, nó nhắc: bạn muốn sang đường thì hãy bấm vào nút xin đường ờ ngay tầm với. Có nhiếu bác tài tinh ý, cứ thấy đám đông đứng ngập ngừng ngay vạch kẻ sang đường là tự động dừng lại và ngoắc tay báo hiệu cho đoàn người qua một cách thong thả.
 "Đặc sản của Thái Lan" là kẹt xe (như lời anh hướng dẫn viên). Nhưng cái sự kẹt ấy vẫn có nhiều điều khiến tôi suy ngẩm. Đứng trên tầng xoay của tòa nhà Baiyoke II - tòa nhà cao nhất nước Thái nhìn xuống, những chiếc xe đang mắc kẹt vẫn chậm rãi nhích từng chút một. 3-4 làn xe vẫn ngay hàng thắng lối, không kề có chiếc nào lách lên.
Đất nước nào, thời đại nào cũng đều có luật, nhưng tại sao phần lớn những người điều khiển phương tiện giao thông ở Việt Nam lại không thực thi luật một cách nghiêm túc được nhỉ. Trong đám kẹt xe hỗn độn, họ tìm mọi cách chen lên những khoảng trồng còn có thể lách vào được, dù chỉ một bánh xe (rồi còn cãi cọ và ẩu đả), tranh thủ phóng thất nhanh qua đèn vàng trước khi đèn đỏ bật sáng, lấn tuyến để mong được đi trước người khác (mà chưa chắc đã đến đích trước, vì....)
Tại ai, tại cái gì ????? tất cả là do ý thức con người mà thôi
08:41 11 thg 9 2011

CHO EM MỘT NGÀY

Chồng đi du lịch với cơ quan, kết hợp về thăm quê nội. Cả đi và về tổng cộng đúng 9 ngày.
Hai mẹ con "tự quản" trong thời gian này. Trước khi đi chồng chỉ dặn đúng một câu: "Ở nhà nhớ lo cho con bé nhé"
"Con bé" mà chồng nói ở đây chính là con gái của chồng + tôi. Năm nay nó đã 17 tuổi rồi. Nó tập mãi mà vẫn chưa đi được xe đạp. Thế có nghĩa là tôi, ngoài việc lo cho nó ăn uống đầy đủ còn phải kiêm thêm vai trò xe ôm cho nó nữa (việc này thường ngày chồng đảm nhận).
OK, chuyện nhỏ như con thỏ, không có gì phải lăn tăn.
Ngày đầu tiên: Sáng chở con tới trường rồi mới đến chỗ làm.
Hành trình bắt đầu từ nhà ở Quận TB, băng qua vài con đường, lượn qua một con hẻm dài loằng ngoằng để đi tắt đến trường nó ở quận Q10, sau đó lại len lỏi qua những con đường khác để đến chỗ làm việc bên Quận PN. Nhờ trời không kẹt xe, nhưng cũng mất 30 phút.
Nghĩ đến lượt về vào buổi trưa để đón con và về nhà theo hướng ngược lại: Quận PN - Quận 10 - Quận TB, sao thấy oải quá.
Ở cơ quan, mắt luôn canh đồng hồ để đến đúng 11g là phóng đi.
Trời nắng như nung, da dẻ bỏng rát. Vừa bước vào nhà là cả mẹ lẫn con đều lăn phịch ra nền gạch, chẳng thiết gì đến chuyện ăn uống. Mà nó ngồi sau xe thì có mệt đến thế không nhỉ?
Nó gân cổ: Con học cũng mệt chứ bộ, còn đứng chờ mẹ nữa.
Thấy tội quá
.
May là tuần này nó chỉ học 1 buổi (vài bữa nữa học 2 buổi thì..... từ từ tính)
Chiều đó tôi thẽ thọt với nó: con coi bạn con có ai tiện đường thì nhờ nó chở về có được không?
Nó nhất trí và tiến hành thăm dò ngay.
Tối, nó báo cáo kết quả: "mai con đi với bạn con nhé, cả đi và về".

Mừng hú. !!!. Hỏi nhỏ: "Con nói với bạn thế nào?"
Nó hồn nhiên: con bảo "Ba tao đi công tác 1 tuần, mày cho tao ké xe với mày có được không? mẹ tao gửi tiền cho mày đổ xăng".
Chiêu này hay nhỉ
Ngày hôm sau gửi ngay 100. Nghe đâu con bé bạn nó cười tít mắt (không biết vì cái gì, hí hí)

Viết ra đây vài dòng như vậy để thấy rằng bấy lâu nay cứ mỗi lần bực chồng là y như rằng luôn ca mãi cái điệp khúc: "anh chẳng lo gì việc trong nhà cả" là nói.... tầm - bậy - hết - sức.
Só ry chồng nhé
 12:54 24 thg 8 2012

MẶT TRÁI - MẶT PHẢI CỦA ĐỒNG TIỀN

Thỉnh thoảng, trong một vài trường hợp nào đó, người ta hay phán rằng: "Ôi, mặt trái của đồng tiền".
Thực ra, có ai quy định và phân biệt được đâu là mặt trái và đâu là mặt phải của đồng tiền. Cả hai mặt của đồng tiền đều thể hiện đầy đủ những thông tin về ngân hàng phát hành, mệnh giá, các yếu tố bảo mật... Và ngay cả màu sắc cũng chẳng có gì khác biệt. Vậy thì cớ gì lại có sự so sánh khập khiễng như vậy chứ?


Vẫn biết ẩn ý của câu nói, nhưng bản thân đồng tiền chẳng bao giờ đúng - sai, phải - trái, tốt - xấu.
Cái đáng nói chính là cách con người hành xử với đồng tiền.
Người ta kiếm tiền bằng cách nào và dùng tiền vào mục đích gì mới là cốt lõi của vấn đề.
Có người, ngoài việc kiếm tiền lo cho gia đình, tiết kiệm để phòng thân...họ còn san sẻ cho những cảnh đời khốn khó. Nhưng cũng có những kẻ chỉ luôn bòn rút tiền của người khác để đổ đầy túi tham của mình, và dùng những đồng tiền đó mua danh lợi, chức tước.
Đồng tiền đâu có tội. Và mặt trái - mặt phải của nó đều có giá trị như nhau.


19:30 24 thg 8 2012

ĐI UDONTHANI

Năm nay lại có một chuyến đi Thái Lan. Chuyến đi ngoài mong đợi
Bác tôi - Anh của mẹ (theo như cách gọi của người Miền Bắc) đã mất.
Bác ra đi lúc 7g55 sáng 29/7, biết tin khi đã 12g rưỡi. Không thể bay kịp trong ngày. Đành phải bay chuyến ngày hôm sau.

Cầm tờ giấy đăng ký vé, con gái bảo: năm ngoái mẹ cũng đi đúng vào ngày này. Chợt giật mình
.
Còn nhớ, cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm ngoái, mình có một chuyến du lịch Bangkok cùng với đồng nghiệp. Có ý định tìm gặp các anh chị ở bên đó nhưng không thực hiện được vì họ đều đang ở UDon. Anh Cường có dặn: Lần sau sang BangKok nhớ đi UDon nhé. Chao ôi, cái "lần sau" đó đúng là .... bắt buộc phải đến cái nơi hai anh em đã hẹn.



Sang UDon, cách tốt nhất là đi theo hướng: đến Viên Chăn - qua cửa khẩu NaKhon để vào đất Thái. Bác gái bảo: sẽ có người đưa xe đi đón. Yên tâm
Em trai vì đã có lịch ký kết đàm phán ở Malaysia vào ngày 1/8 nên không thể đi được, với lại nó cũng mới sang thăm bác cách đây mấy tháng. Em gái kế ở ngoài Quy nhơn, lại chưa có hộ chiếu. Dự tính: 3 người sẽ đi (mình, em dâu và em gái út). Nhưng điều trở ngại lớn nhất là còn 1 lũ con nít ở nhà thì ai quản. Vẫn chưa cho mẹ biết tin vì sợ mẹ bị sốc.
Thôi thì quyết định: mình và em út đi là hợp lý nhất. Hai chị em chuẩn bị lên đường.

Vé TPHCM- VienChan đắt kinh khủng, gần 8 triệu/người khứ hồi (chắc có tính thêm tiền quá cảnh ở PnomPenh).
Kẹt nỗi, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến vào lúc 16g10. Thế coi như cũng mất toi thêm 1 ngày nữa.
2 giờ chiều, hai chị em ra sân bay. Hành lý chỉ là 1 cái túi du lịch xách nhẹ tênh. Nói với tài xế: "đi TSN ga quốc tế nhé". Chạy 1 đoạn tài xế hỏi: "xin lỗi chị, ga đi hay ga đến ạ". "Xin lỗi. Ga đi. Quên nói cụ thể với em". Cậu ấy thanh minh: "Em tưởng chị đi đón người nhà, vì thấy chị xách ít đồ quá". Hơ hớ
Bay TPHCM - PnomPenh mất nửa giờ, quá cảnh 1 tiếng. PnomPenh - Vien chan 1 tiếng đồng hồ nữa. 19g30 mới tới nơi. Sân bay Thủ đô Lào vắng tanh, chỉ có một số người xuống đây, còn lại sẽ bay tiếp đến Hà Nội. Hai chị em ngơ ngác tìm người đón. Người đã vãn mà chẳng thấy ai có ý tìm mình cả. Nghe bảo cậu Việt sẽ đi đón. Nhìn qua, thấy một người đàn ông  trung niên tóc hoa râm, khoác túi du lịch cũng đang có ý "xét" mình, đành liều hỏi: "Xin lỗi có phải cậu Việt không ạ". Trời đất, hóa ra cậu Việt cứ tưởng là em trai sẽ sang nên chỉ tìm đàn ông thôi. Và tôi cũng vỡ lẽ không phải cậu đi từ Thái sang đón
mà đi từ Hà nội, ghé sân bay đón chị em tôi cùng đi tiếp. Cùng đi với cậu còn có Vân - con dâu chị Nghị từ Hải Phòng lên đi cùng (mới đầu tưởng nó là con gái chị ấy)

 
Trời tối lại mưa, khu vực sân bay thật đìu hiu. Trong 4 người, Cậu Việt là người lớn tuổi nhất, lại nói được tiếng Thái nên đứng ra lo liệu cho chúng tôi tất cả mọi việc (chắc bác gái cũng đã giao nhiệm vụ cho cậu rồi).
Nghe cậu bảo: thuê taxi đi từ sân bay Viên chăn về UDon mất một khoản tiền khá lớn (cỡ khoảng 4 triệu đồng tiền Việt). Vì tài xế nói rằng, đưa chúng tôi sang Thái xong thì không kịp quay về Lào. 10g đêm cửa khẩu đóng rồi, tài xế phải ở lại Thái, sáng mai mới về Lào được. Bàn tính mãi, cuối cùng chọn phương án: thuê xe đến biên giới Lào - Thái, sau đó người nhà sẽ đem xe đến đón ở NaKhon. Tiền cỡ 1 triệu 200 VND.

 
Có một vài phát sinh:
- Ra khỏi Lào và vào đất Thái đều phải đóng phí.
Khi đi, cứ nghĩ lo tiền vé máy bay xong là ổn, qua Thái chẳng có dịp nào đi mua sắm (vì nhà có việc, ai mà đưa đưa đâu), thì chỉ cần ít tiền dằn túi.
Dũng đưa cho khoảng 700 bath (cỡ 500 ngàn VND) và 200 USD. Nghe nói ở Lào cũng dùng tiền Việt nên mang theo hơn 2 triệu để khi về có cái gì hay hay thì mua làm quà.
Ở cửa khẩu ra khỏi Lào, người ta nói đóng phí 50 bath/người. Rút tờ 100 bath đưa cho cậu. Nhưng sau đó nhân viên cửa khẩu đồng ý nhận tiền Việt. Cậu đưa cho họ 300.000, thế là đi.
Phải nói cậu tài xế taxi của Lào tốt thật, không chỉ lái xe đưa đi, cậu ấy còn giúp chúng tôi làm thủ tục nữa. Rất nhiệt tình, mặc dù trời rất tối, cậu ấy còn phải quay lại một đoạn đường dài. Một ấn tượng đẹp.
- Lúc gần ra khỏi Lào, bác gái tôi lại chỉ đạo tiếp: không có người đi đón, phải đón tiếp xe mà đi thôi.
Cậu Việt nhờ cậu tài xế chở vào đất Thái một đoạn và tìm giúp một chiếc xe khác. Tài xế cũng vui vẻ giúp đỡ.

- Khi thủ tục nhập cảnh vào Thái, nhân viên bảo mỗi người đóng lệ phí 100 bath. Tá hỏa. Cậu Việt nói với họ: "tôi chỉ có dolla". Họ trả lời: "không trả lại tiền thừa đâu nhé". Ai mà chịu. Một trong 2 nhân viên hỏi: "sao chúng mày đi mà không chuẩn bị tiền?". Cậu trả lời: "Tao đi đám ma người nhà của tao. Vội quá không kịp chuẩn bị". Ông ấy ồ một tiếng như mới phát hiện điều gì và nói nhanh: "chúng tao xin chia buồn với gia đình mày nhé, thôi không phải đóng tiền". (Đoạn hội thoại sau đó được cậu dịch cho chúng tôi nghe, chứ lúc đó 2 bên cứ xì xà xì xồ, có hiểu gì đâu). Thêm một ấn tượng đẹp. Nhưng mang mãi thắc mắc trong lòng: tại sao tiền lệ phí mà có thể thu hoặc không thu cũng được???? Vân bảo: tụi nó tưởng mình đi kiếm việc bên Thái nên nó ghét, bắt nộp tiền. Có thể lắm. Sau này hỏi Dũng, Dũng bảo: chắc làm thủ tục ngoài giờ hành chính nên phải đóng tiền. Cái này thấy cũng có lý. Nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời chắc chắn nhất.


Cậu tài xế taxi sau đó cũng đón hộ chúng tôi một chiếc xe khác để đi tiếp đến UDon. Biết là chuyến xe này sẽ chạy thẳng đến nhà bác, thấy nhẹ người.
Đến nơi thì đã hơn 10g tối.

02:30 25 thg 8 2012