Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

ANH VÀ EM


Anh ở rất gần và cũng rất xa
Em biết vậy, sao vẫn hoài mong đợi
Nỗi cô đơn bào cuộc đời mòn mỏi
Cắt vụn vặt bao hy vọng mong manh.

Có thể em chưa hiểu hết lòng anh
Như biết biển sâu nhưng không đo được
Em biết anh khát khao mà không hiểu
Anh của em hay của niềm cháy bỏng đam mê.

Như bầu trời kia, bình minh đến ráng chiều
Và như biển vợi thủy triều thương nhớ
Anh ở quanh em như làn gió thổi
Mát làn da mà chẳng nắm được đâu.

Như cầu vồng sau mưa óng ánh sắc màu
Chỉ hiện ra cho mọi thời mơ ước
Dẫu biết em, sự nén dồn tha thiết
Cất nỗi niềm trong sâu lắng tâm tư.

Anh xa, gần cũng chỉ như ảo ảnh
Thấp thoáng quanh em vời vợi vui, buồn
Vắt qua mắt em một thời thương nhớ
Quàng lên em sợi nắng bóng chiều vương.


GIẤU


Anh giấu mùa vào lối thênh thang
Bản nhạc mùa thu nửa chừng còn bỏ dở
Em nghe lòng mình rạn lên
và vỡ
Lối anh qua
khác lối em về...

Anh giấu mùa vào những bộn bề
Bàn tay vốc vụng về thương nhớ
Có lẽ quá xa
hay là không còn nữa?!
Len lén gọi nhau bỗng chốc tự dưng thừa...!

Anh vẫn về trên những ký ức thưa
Mùa chưa dứt, đan cài thành dĩ vãng
Một tiếng thở dài thành ra đứt quãng
Úp mặt vào tay nghe mệt nhọc chen qua...

Vẫn lối anh đi mưa suốt bao mùa
Đường em bước nắng khô sỏi đá
Thèm như cỏ cây, thèm như hoa lá
Biết khát xanh
và biết khát mưa!



Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

NƠI CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ



Với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng trong lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ trên phạm vi cả nước; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp theo nhu cầu xã hội; đồng thời, tổ chức nghiên cứu và thực nghiệm khoa học công nghệ, trong nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại luôn phấn đấu không ngừng để tạo nguồn nhân lực có trình độ góp phần phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Những nỗ lực, cố gắng vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc của tập thể nhà trường đã được đền đáp xứng đáng. Trong không khí tưng bừng chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, niềm vui như càng được nhân lên gấp bội và thêm lan tỏa khi nhà trường vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhì - một phần thưởng vô cùng cao quý.
Nhìn lại chặng đường đã qua, cả thầy và trò đều không khỏi bồi hồi.
Được trở thành một học sinh - sinh viên của Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại là ước mơ, khát vọng và niềm tự hào của rất nhiều bạn trẻ.
Khoảng thời gian học tập dưới mái trường này chỉ 2 - 3 năm, nhưng cũng đủ để đọng vào lòng người biết bao cảm xúc ấm áp.  Lưu lại trong trái tim của nhiều thế hệ học sinh - sinh viên là những kỷ niệm vui buồn suốt những năm tháng cùng sống, cùng học tập với nhiều bài học rất bổ ích, sâu sắc và vô cùng đáng quý.
 Hẳn nhiều em học sinh - sinh viên không thể nào quên cái ngày cầm hồ sơ trên tay đến trường nhập học. Sao mà bỡ ngỡ. Trong các em - những chàng trai, cô gái tuổi mới mười tám đôi mươi -  ai ai cũng lắng đọng những suy tư. Vừa rời khỏi vòng tay cha mẹ sau mười hai năm miệt mài đèn sách ở bậc phổ thông, giờ bước chân vào cổng trường cao đẳng với tâm trạng vừa hân hoan trong niềm vui của một học sinh - sinh viên trước một chân trời mới của tri thức, vừa đan xen nỗi lo lắng sợ sệt không biết sắp tới việc học tập sẽ như thế nào. Thêm vào đó, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, rồi bao lo toan về cuộc sống tự lập nơi đất khách, những cám dỗ nơi thị thành mà mọi người vẫn thường hay dặn dò đề phòng... khiến cho các em không khỏi có những lo lắng về chặng đường phía trước. Nhưng rồi, tất cả những băn khoăn ấy cũng qua nhanh khi các em được hòa mình vào cuộc sống mới bằng sự tiếp đón chu đáo, ân cần của các thầy cô cũng như viên chức trong trường; được giáo viên chủ nhiệm, các anh chị học sinh - sinh viên khóa trước chỉ dẫn tận tình; được gặp mặt và hòa mình vào không khí của lớp học.v.v... Nhà trường đã gắn kết với các em làm thành một gia đình lớn.
Điều giản dị ấy đã trở thành kỷ niệm đầu tiên khó phai mờ về mái trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại - ngôi nhà thứ hai của nhiều bạn trẻ đến từ khắp các tỉnh thành, để rồi các em mãi luôn nhớ xiết bao cái buổi bắt đầu "đời sinh viên" thật bỡ ngỡ nhưng cũng đầy thú vị. Từ giờ phút đầu tiên ấy, các em như có thêm một mái nhà để gắn bó, một nơi để mỗi khi đi xa đều thấy nhớ.  Khắc sâu trong tâm trí các em là những ngày đầu trong buổi tựu trường. Từ các phòng học, dãy lành lang đến những con người và cảnh vật xung quanh.... cái gì cũng khác. Không còn là không gian lớp học nhỏ bé như thời học phổ thông, thay vào đó là những giảng đường thênh thang,  tập trung hàng trăm học sinh - sinh viên cùng tham gia học tập, với màn hình, đèn chiếu, với bài giảng điện tử, với những giờ thảo luận, thuyết trình... Giảng đường rộng nhưng tình thầy trò vô cùng gần gũi. Từ mái trường thân yêu này, những bước đi chập chững ban đầu về cuộc sống xa nhà của các em dần dần trở nên vững vàng và mạnh dạn hơn nhờ vào sự quan tâm, chia sẻ, động viên của các thầy cô cũng như bạn bè trong trường. Nơi đây có những người Thầy thật tận tụy, những người bạn thật chân thành. Và bao trùm lên tất cả là tình thân ái ấm áp trong một môi trường giáo dục có uy tín và đạt chất lượng. Mỗi bài giảng của thầy cô đều chứa đựng nhiều điều thú vị và bổ ích, chan chứa một niềm mong mỏi về kết quả học tập tốt nhất  đối với mọi thế hệ cho trò.
 Ngày hôm nay, có thể tự tin nói rằng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ học sinh - sinh viên. Bởi nơi đây nhà trường đã trao cho những ai muốn "học để thay đổi” chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa nghề nghiệp trong tương lai. Với mô hình đào tạo đa dạng ngành nghề (Kinh doanh Xuất nhập khẩu, Tiếng Anh thương mại, Quản trị doanh nghiệp Thương mại, Marketing thương mại, Quản trị kinh doanh Nhà hàng - Khách sạn, Quản trị kinh doanh xăng dầu, Tin học quản lý, Kế toán tài chính....) và chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, nhà trường đã đưa các em đến những chân trời tri thức mới, mang đến cho các em sự tự tin để vững bước vào đời. Nhờ vào sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy cô trong trường, mọi học sinh - sinh viên đều được trang bị các kiến thức bổ ích và cần thiết của ngành mình đang theo học. Song song với kiến thức chuyên môn, các em còn được tiếp cận các môn học thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ngoài ra, ngay trong quá trình học, các em còn được rèn luyện cách làm việc theo nhóm và làm việc độc lập, được hướng dẫn phương pháp học tập hiệu quả, rèn kỹ năng giao tiếp ứng xử trong nhà trường và ngoài xã hội.... Đây là những điều kiện rất tốt hỗ trợ đắc lực cho quá trình làm việc của mỗi em trong thực tiễn.
Để có thể đạt được mục tiêu, đạt được ước mơ hoài bão, hoàn thành tốt quá trình học tập và rèn luyện, các em không những được thầy cô truyền đạt nhiều kiến thức mới, bồi đắp nền tảng chuyên môn, nghiệp vụ mà thông qua các hoạt động của Đoàn thanh niên, các phong trào tình nguyện, văn nghệ … do nhà trường nói chung và các tổ chức Đoàn, Hội, Câu lạc bộ tổ chức, các em có thêm nhiều trải nghiệm, từ đó hình thành ý thức tự lực, sống có trách nhiệm hơn với tập thể, với cộng đồng và ngày càng đoàn kết, gắn bó với nhau hơn. Những hoạt động giao lưu, gặp gỡ giữa Ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các khoa với học sinh - sinh viên để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như giải đáp thắc mắc hoặc tư vấn... đã làm cho khoảng cách giữa Nhà trường với học sinh như thu hẹp lại và thầy trò trở nên thật gần gũi. Tất cả đều chung mục đích là hướng đến một môi trường tốt nhất để học sinh - sinh viên có điều kiện bộc lộ khả năng, thể hiện tố chất và phát huy tính chủ động, sáng tạo, giúp các em phát triển toàn diện về nghề nghiệp lẫn kỹ năng sống, chắp cánh cho các em được thỏa niềm đam mê, khát vọng và được sống những tháng ngày đẹp nhất, sôi nổi nhất của tuổi trẻ trên giảng đường. Nhà trường cũng có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm động viên, khuyến khích các em ở nhiều mặt: cấp học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, vay vốn, khen thưởng. Điều đó làm cho các em càng thêm vững tin vào con đường mà mình đã chọn, an tâm học tập.
Theo năm tháng, Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại đã, đang và sẽ luôn rộng cửa đón rất nhiều học sinh - sinh viên đến học tập. Bằng chính nỗ lực của mình dưới sự dìu dắt, truyền đạt kiến thức của các thầy cô giỏi về chuyên môn, tận tình và đầy trách nhiệm, lớp lớp học sinh - sinh viên thực sự trưởng thành. Những tháng ngày khổ luyện rồi cũng đến lúc được gặt hái “hoa thơm quả ngọt”. Vui sướng đón nhận tấm bằng cử nhân, các em sẽ đi đến khắp mọi miền của Tổ quốc để cống hiến, sẵn sàng đảm nhận các công việc trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tiếp tục chinh phục những thử thách mới. Dẫu biết rằng chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, nhưng với sự tích lũy đầy đủ những kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng sống và làm việc  suốt những tháng ngày miệt mài học tập ở trường, cộng với sự năng động, lòng nhiệt tình của tuổi trẻ, các em đã có hành trang bước vào đời một cách vững vàng, đủ sức để đi tới, đem hết khả năng đóng góp một phần công sức vào công cuộc xây dựng nền kinh tế nước nhà ngày càng phát triển hơn.
  Ngẫm lại, cuộc đời mang đến cho ta nhiều thứ, cả vật chất lẫn tinh thần,  nhưng vô giá nhất vẫn là tình người và trong đó sáng lên tình thầy trò cao đẹp. Trước khi rời khỏi ngôi trường này, nhiều em đã kịp ghi lại trong ký ức những khoảnh khắc đáng nhớ đó, tuy rất bình dị nhưng vô cùng dạt dào cảm xúc. Trân trọng những ngày tháng được sống dưới mái nhà chung Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại mến yêu, nhiều thế hệ học sinh - sinh viên vẫn luôn nhớ về trường như một chốn bình an, là nơi gửi gắm bao khát vọng, một điểm tựa tinh thần vững chắc nâng những ước mơ của các em được bay cao, bay xa. Chỉ thế thôi cũng đủ để tạo thành những ấn tượng đẹp về ngôi trường thân yêu luôn ấm áp tình người, tình thầy trò.
Nhà trường có được vị trí và sự vững mạnh như ngày hôm nay chính là nhờ có sự đóng góp công sức của các thầy cô giáo, các cán bộ công nhân viên cùng toàn thể học sinh - sinh viên của nhà trường. Ai cũng hiểu, vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo, các thầy cô đã phải trải qua nhiều gian truân, vất vả, thậm chí có cả sự hy sinh trước sức hút mãnh liệt của cơ chế thị trường để gắn bó với trường, với học trò thân yêu.  Chính vì thế, mỗi người, dù đi đâu và làm gì vẫn luôn nhớ về mái trường này. Và sự thành đạt của các em trên bước đường sự nghiệp chính là lời tri ân công ơn Thầy Cô có ý nghĩa nhất.
 Với bề dày thời gian xây dựng và trưởng thành, với tinh thần trách nhiệm cao cả của sự nghiệp trồng Người, Trường Cao Đẳng Kinh tế Đối ngoại sẽ tiếp tục phát triển không ngừng, làm giàu thêm truyền thống và thành tích của trường, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới và phát triền của Đất nước.

CHO THÁNG MƯỜI HAI


Tháng mười hai rồi, anh có ước gì không?
Gió lạnh về, có mênh mang nỗi nhớ
Có nhớ em như làn môi hơi thở
Năm tháng sắp hết rồi, có mong mỏi như em?

Tháng mười hai kìa, anh có ước gì không?
Khi kịp thấy bầy chim non ríu ran về làm tổ
Khi thấy từng đôi, từng đôi dìu nhau về trên phố
Anh có ước muốn gì về chuyện của chúng ta?

Tháng mười hai rồi kìa có ước mơ nào xa?
Cho bản tình ca lứa đôi cùng hòa cùng một nhịp
Mau mau về đi anh cho tháng này còn kịp
Đan chéo hết lạnh lùng - sưởi ấm tháng mười hai.

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

TẢN MẠN

Hạnh phúc là gì? Có nhiều khái niệm, nhiều quan điểm khác nhau trả lời cho câu hỏi này. Thế nào là đỉnh cao hạnh phúc? Không ai có thể đo và thấy được.
Với tôi, hạnh phúc là sự hài lòng. Đỉnh hạnh phúc có cao bao nhiêu đi nữa tôi cũng chỉ mong đạt đến ngưỡng hài lòng. Đơn giản vậy thôi.
Tôi hài lòng khi được sống trong sự thương mến của người thân, bạn bè và những người xung quanh (dù chỉ là số ít); khi tôi đi xa có người nhớ và mong ngóng tôi trở về; khi có những người bạn mỗi sáng mỗi chiều, đều đặn gửi cho tôi một lời chúc ngắn gọn nhưng chan chứa bao tình. Tôi hài lòng khi thấy mình vẫn còn có ích cho nhiều người, để khi tôi nói lời tạm biệt, họ đã nắm tay tôi, thậm chí ôm tôi rất chặt như thể sợ tôi sẽ chẳng còn quay lại nữa...

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

HOÀI NIỆM


 Ước gì gặp lại ngày xưa.
Thời gian trôi, để bây giờ xa xăm.
Mới mà… đã mấy mươi năm.
Trưng Vương trường cũ – nhớ mong ngày về!


Ngỡ đang đứng giữa trưa hè
Sân trường phượng đỏ, tiếng ve gọi bầy.
Lớp học xưa hãy còn đây
Ngói hồng nay đã phủ đầy rêu phong.


Con luôn ghi đậm trong lòng
Câu Kiều lắng đọng giọng ngâm của thầy.
“Một đời người, một rừng cây”1
Trồng bao thế hệ, hôm nay trưởng thành.


Hoa râm thay mái tóc xanh
Cho con vững bước tiến nhanh vào đời.
Con luôn tâm niệm một lời
Công ơn dạy dỗ suốt đời khắc ghi.

LỜI THẦY CÔ MÃI MÃI VẪN NHỚ!




Có lần, tình cờ tôi được nghe một bài hát với giai điệu và ca từ rất tha thiết, chân tình, giàu hình ảnh như một câu chuyện kể:
“Lời Thầy Cô, mãi mãi vẫn nhớ, mãi mãi vẫn nhớ ghi trong cuộc đời,
Những Công ơn năm xưa đã cho ta hôm nay, ngày mai”[1]
Tôi đã lắng nghe bài hát ấy với một cảm xúc lạ. Những ca từ trong trẻo, đong đầy nhiều kỷ niệm ngỡ như một tiếng vọng xa xưa, gợi nhớ trong tôi về những Thầy Cô giáo của mình.  
Người Việt Nam luôn nêu cao tinh thần tôn sư trọng đạo mà ông cha ta đã truyền dạy từ bao đời nay: "Nhất tự vi Sư, bán tự vi Sư", “Không Thầy đố mày làm nên”. Ai cũng đã từng một thời cắp sách tới trường. Và trên bước đường sự nghiệp, công danh không thể vắng hình bóng người Thầy. Chính Thầy Cô đã trang bị cho học sinh những kiến thức để làm hành trang bước vào đời, chắp cánh cho những ước mơ được bay cao. Những bài học của ngày hôm qua, có khi đến tận hôm nay tôi mới thấu hiểu hết. Đúng là học trò đâu chỉ trưởng thành bằng nguồn kiến thức và người Thầy cũng đâu chỉ dạy cho học sinh giải toán, làm văn. Thầy Cô còn gửi gắm muôn vàn tâm tình, truyền cho học sinh nhiều điều thiêng liêng, kỳ diệu khác.
Thuở ấu thơ, từ những ngày đầu đi học, chúng tôi đã được Thầy Cô uốn nắn từng nét chữ, giảng giải cho biết thế nào là “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay “Công Cha như núi Thái Sơn. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”... Những bài học đầu tiên về lễ nghĩa, về đạo làm người ấy không thể phai mờ trong ký ức.
Tôi đã được đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều và cũng đã học được nhiều điều trong cuộc sống, nhưng duy chỉ có một điều tôi vẫn chưa thực hiện được là nói lời cảm ơn đến Thầy Cô giáo cũ. Chính sự ngại ngần này đã khiến “người học trò nhiều tuổi” trăn trở suốt bao năm qua mỗi khi nhớ về Thầy Cô giáo của mình. Và thật lạ, mỗi khi nhớ về Thầy Cô, hình ảnh sâu đậm nhất trong miền ký ức của tôi chính là bóng dáng người Thầy với tấm lòng bao dung, sống thanh bạch, giản dị rất “đời thường”: áo sơ mi sờn bạc, chiếc cặp đã phai màu theo năm tháng, chiếc xe đạp cũ và đôi mắt hiền sau cặp kính trắng. Những hôm trời mưa như trút nước, Thầy trùm mảnh ni lông che vừa đủ chiếc cặp trong giỏ xe và hai vạt áo. Giáo án thì khô mà lưng áo Thầy lại ướt!
Nhớ về Thầy, tôi không thể nào quên những ngày mưa rả rích, Thầy thương học trò không có áo mưa nên ở lại chờ khi mưa tạnh mới yên tâm ra về. Chẳng biết từ bao giờ, Thầy đã trở thành người bạn đồng hành cùng chúng tôi.  Mấy mươi năm rời xa mái trường phổ thông, hình ảnh đẹp tôi mang bên mình vẫn là hành động Thầy cúi chào học sinh khi ngày đầu đến nhận lớp.
Biết bao thế hệ học trò đã lớn lên, trưởng thành hơn từ những bài học không lời quý giá như thế. Những bài học không có trong giáo án, chỉ bắt gặp ở trang sách của cuộc đời, cho nên dù thời gian có lật sang bao nhiêu trang đi nữa… vẫn cứ đẹp, cứ sáng ngời ý nghĩa cao cả.
Tôi nhớ đến Thầy Cô – những nhà giáo tận tâm – bằng sư thành kính. Những kiến thức sách vở mà Thầy Cô dạy có thể sẽ mai một theo thời gian, nhưng lời Thầy Cô dạy học sinh cách sống cho trọn đạo hiếu, sống sao cho có ý nghĩ thì chẳng thể nào phai nhạt. Thầy Cô đã dạy cho học sinh rất nhiều điều ngoài trang vở. Chúng tôi đã được nghe kể về những nỗi niềm “khát chữ” của thế hệ Thầy Cô. Thầy Cô chỉ biết lấy việc học làm niềm vui, làm đích vươn lên để thoát nghèo, thoát khổ và để sống cho đáng sống với tư cách làm người.
Lời Thầy Cô, tôi mãi mãi vẫn nhớ: “Sống trên đời phải có niềm tin và nỗi sợ”. Và từ bài học “ngoại khóa” ấy, tôi biết sợ ánh mắt thất vọng của người thân mỗi khi tôi không đạt được kết quả tốt để càng cố gắng vươn lên. Những khi lạc mất niềm tin, tôi nhớ đến câu chuyện về cuộc đời Thầy. Dù cuộc sống còn lắm khó khăn nhưng lúc nào Thầy cũng lạc quan, thỉnh thoảng còn hóm hỉnh: “rên hèn, van yếu đuối”[2]. Từ bài học thầy dạy, tôi thực sự hiểu rõ: “Không có niềm tin thì làm việc gì cũng khó thành công” và thầm cảm ơn Thầy Cô đã cho tôi biết tin yêu vào cuộc sống, đã dìu dắt để tôi hiểu tình người mang đầy ý nghĩa và cho tôi nhìn rõ trong mỗi người đều tiềm ẩn những vẻ đẹp cùng khả năng riêng, quan trọng là biết phát hiện và phát huy nó. Tôi hiểu đó là những lời khích lệ để chúng tôi – những học trò của Thầy Cô - luôn vững vàng, cứng cáp trên đường đời. Thầy Cô cũng đã truyền cho chúng tôi một niềm tin mãnh liệt vào chính bản thân mình để khơi dậy ngọn lửa của lòng đam mê, biết rèn luyện để mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn với bản thân mình. Tôi đã từng mặc cảm, tự ti vì gia đình mình nghèo; sợ sệt vì không có một sức khỏe bình thường như các bạn. Giữa những hoang mang, lo lắng, tôi đã kịp nhận được sự quan tâm, động viên của Thầy Cô: “Cuộc sống sẽ có ý nếu biết lấy nghịch cảnh để mài dũa bản thân”. Khi tôi chùn bước hoặc có lúc không thể làm được một việc gì thì bàn tay ấm áp của Thầy Cô lại nhẹ nhàng nâng đỡ, truyền cho tôi thêm nghị lực: “Khi người ta sống hời hợt, thiếu tự tin thì làm việc gì cũng khó thành công”.Với riêng tôi, đó là những lời yêu thương xuất phát từ trái tim người Thầy, người Cô chân chính, dõi theo cả đời mình. Đến bây giờ, bước chân tôi đi có lúc vững vàng, có khi chệch choạc, vội vã hay ngập ngừng, … thì những tình thương mà Thầy Cô đã trao cho ngày nào chính là kim chỉ nam để hướng tôi đi đúng đường.
Thầy Cô – hai tiếng thân thương tôi mang trong tim suốt cuộc đời. Dẫu có đi hết chiều dài của cuộc sống, tôi vẫn chưa đi hết lời Thầy Cô chỉ dạy. Nếu có ngày được bước lên đài vinh quang thì tôi mãi luôn ghi nhớ người nâng bước cho tôi trên từng bậc thang là đôi tay không bao giờ mệt mỏi của các Thầy Cô. Cái ngày xưa của một thời kỷ niệm đã qua đi, sẽ không bao giờ quay lại nhưng những hồi ức về một thưở đến trường nhận được sự chỉ dạy ân cần của Thầy Cô sẽ không bao giờ phai nhòa trong mỗi học sinh. Thầy Cô đã dìu dắt chúng tôi, dạy chúng tôi học cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng: “chấp nhận bài thi bị điểm thấp còn vinh dự hơn gian lận trong thi cử”. Thầy Cô cũng dạy chúng tôi biết quý thời gian, trọng chữ tín, chỉ cho chúng tôi phương cách sống để giữ lòng trong sạch, nhắc nhở chúng tôi rằng: “Tính cách là những gì ta có được từ môi trường nuôi dưỡng, giáo dục” và “lỗi lầm lớn nhất mà con có thể mắc phải chính là mất thời gian để biện hộ cho lỗi lầm của mình”. Thầy Cô ơi! Bao nhiêu năm qua, học sinh của Thầy Cô vẫn luôn tâm niệm: “Không gì sưởi ấm cho ta bằng lửa tự trọng trong tâm hồn”. Thầy Cô đã truyền cho chúng tôi sự kiên nhẫn, niềm vui của việc đọc sách, hướng cho chúng tôi tiếp cận những giá trị nhân văn để có những trải nghiệm cuộc sống và biết cảm nhận số phận con người: “Không được chế giễu nỗi đau của người khác, biết cư xử tốt với mọi người bắt đầu bằng việc nghĩ về điều tốt của họ”. Không ai trong lớp quên được mỗi khi giao những bài tập làm thêm, Thầy luôn gửi kèm một lời nhắn nhủ: “Ai chưa hiểu thì hỏi nhé!”. Ngắn gọn và bình dị là thế nhưng chan chứa biết bao tình thương. Như được dịp, cả lớp cứ nhao nhao lên: “Thầy ơi, cho em hỏi”, “Thầy ơi, sao lại thế”, “Thầy ơi, giúp em”, “Thầy ơi, Thầy ơi”…khiến Thầy phải nói không ngừng nghỉ. Đâu chỉ có thời gian chạy, Thầy cũng mệt nhoài vì chạy theo từng thắc mắc của chúng tôi ngay cả khi đã quá giờ ăn trưa. Chính vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao cả của Thầy Cô là một tấm gương sáng để học sinh soi vào, chiêm nghiệm và tự hoàn chỉnh mình.
Thời gian trôi qua, giờ ngẫm lại mới thấy thấm thía: “Bước chân đi hôm nay, có ai quên đôi tay người xưa”[3]. Thầy Cô đã gieo hạt giống tri thức, thắp sáng trí tuệ, nuôi dưỡng tâm hồn, truyền ngọn lửa tinh thần… để chúng tôi mạnh dạn bước tiếp và trở thành người có ích. Qua nhiều năm tháng, có ai đếm được bao nhiêu “chuyến đò” Thầy Cô đã chở? Bao nhiêu ước mơ, khát vọng đã được Thầy Cô chấp cánh để vươn lên? Chỉ biết rằng, dù tóc đã bạc, mắt không còn tinh anh nhưng Thầy Cô vẫn luôn giữ vững tay chèo, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Bởi, với Thầy Cô: “Thành công trong đời người làm nghề giáo không phải là một thành quả hữu hình nhưng có một giá trị lớn lao không vật chất nào sánh bằng, đó  chính là sự trưởng thành, lớn khôn về học vấn và nhân cách, phẩm chất của lớp lớp học trò”.
 Tất cả chúng tôi đều cảm nhận sâu sắc những ngày tháng được Thầy Cô dạy bảo là những ngày hạnh phúc và vui nhất của lứa tuổi học trò. Niềm vui, niềm hạnh phúc ấy kết thành những kỷ niệm về tình nghĩa thầy trò, mãi mãi sáng đẹp và đáng trân trọng biết bao. Muốn cảm ơn Thầy Cô thật nhiều, nhưng làm sao kể hết ân tình và cũng không thể viết thành lời chúc cho đầy đủ và tròn trĩnh được, vì công lao và sự đóng góp của Thầy Cô trọn vẹn hơn rất nhiều. Niềm kính yêu trân trọng đó, lớp lớp học sinh của Thầy Cô ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau luôn khắc ghi:
"Nghĩa Thầy Cô một đời không trả hết
Dẫu đời con qua mấy nhịp cầu”
Với công việc thầm lặng, khó nhọc nhưng vô cùng cao cả, vinh quang, Thầy Cô giáo - dù ở đâu, trong bất cứ thời đại nào – cũng luôn luôn phải được trân trọng, tôn vinh. Tôn kính người Thầy không chỉ là nghĩa vụ mà còn là nghĩa cử cao đẹp của mỗi người học trò và của xã hội. Phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc không phải chỉ trong một ngày mà trong mỗi ngày của cuộc đời chúng ta.
Ngày Hiến chương Nhà giáo đang đến rất gần. Những bài hát ca ngợi, tri ân Thầy Cô lại rộn ràng vang lên.

Khoa Quản trị Kinh doanh 20/11/2012
(Bài viết đăng trên tập KTDN số 6 chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam) 

[1] Ca khúc: Lời Thầy Cô – Sáng tác: Nguyễn Đức Trung
[2] Trích một câu trong thơ Tố Hữu
[3]  Ca khúc: Lời Thầy Cô – Sáng tác: Nguyễn Đức Trung

THU VỀ TRONG NỖI NHỚ....



Sáng thc gic nghe mùa Thu giăng li
t
ng git bun như ni nh riêng mang
Chi
ếc lá Thu úa vàng rơi xung vi,
đ
git mưa thm không chút ng ngàng
Bên phòng vng nhc vang su như gi
Thu đã v, thêm mùa na, li Thu
Tiếng mưa bun ngoài hiên như mun nói
li mt mùa nc n tiếng lá ru...

T
nh cơn mơ, sương mù dy mây ph
đ
trong lòng hình cũ gi vang lên
Nh
Thu nào trong mưa cùng nhau trú
mà Thu này sao ai n
lãng quên
Sáng mùa Thu cht tên ai nh li
k nim nào in trãi mt thi yêu
Sáng Thu bun đ ngàn năm nh mãi
Thu li v...cho nhung nh thêm nhiu...!!