Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

TRỞ VỀ TUỔI THƠ


Một buổi sáng du lịch lên đồi Mộng Mơ - Đà Lạt. Chụp ảnh chán chê, leo hết dãy Vạn lý Trường thành (của Đà lạt) vẫn chưa đến giờ ra xe. Bước chân lang thang dẫn lối đến "Nhà truyền thống" của Ngân hàng SACOMBANK cũng nằm trong khuôn viên khu danh thắng này.
Cô nhân viên trực đon đả mời mọi người vào tham quan. Một dãy tủ kính dài trưng bày rất nhiều loại tiền của Việt Nam qua từng giai đoạn. Bất chợt nhận ra tờ tiền giấy MỘT HÀO màu tím rất thân quen (loại tiền được phát hành năm 1972). Kỷ niệm ùa về.

Ngày bé thơ, mỗi khi tết gần kề, chị em tôi và những đứa trẻ cùng lứa rất háo hức. Chúng tôi mong đến Tết để được mặc quần áo mới, được ăn mứt tết và được mừng tuổi. Quần áo được may bằng vải phin, chỉ điểm vài bông hoa bé xíu, cổ là sen là kiểu phổ biến; Mứt tết mua theo tiêu chuẩn, mỗi gia đình chỉ được mua một hộp cỡ nửa kg, bên ngoài in lòe loẹt với hai màu chủ đạo xanh - đỏ, hình hoa lá và một dòng chữ "chúc mừng năm mới". Bên trong hộp mứt là một túi nilong gồm đủ loại: nào mứt, nào kẹo cứng, nào kẹo mềm và có cả kẹo "Trứng chim" nữa. Nghe vui nhỉ? Lũ con nít khoái nhất là kẹo này. Đó những viên kẹo có nhân là một "hạt lạc" - gọi theo kiểu Miền Bắc - bên ngoài bọc đường và vo tròn giống như một quả trứng chim bồ câu. Chả thế mà mọi người gọi là kẹo "trứng chim". Nhưng không phải muốn ăn bao nhiêu cũng được đâu nhé. Phải chia đều đấy. Chỉ cần có đứa hơn 1 viên là đứa khác tị nạnh ngay.
Sáng sớm mùng 1 Tết, chẳng ai bảo ai, chị em tôi đều dậy sớm để... được mặc quần áo mới và được mừng tuổi.
Bây giờ bọn con nít (ấy ấy, tôi không nói tất cả đâu nhé) quần áo thừa thãi, mặc chưa kịp cũ đã bỏ nên chẳng có cái cảm giác háo hức ấy. Tiền "lì xì" chúng chỉ quan tâm ít - nhiều chứ không được ba mẹ nói cho biết ý nghĩa của vật vừa được tặng.
Hồi đó, ở Miền Bắc, người ta thường nói "mừng tuổi" chứ không dùng từ "lì xì" và cũng không bỏ tiền vào những phong bao màu đỏ. Chẳng rõ 2 chữ "lì xì" có nghĩa là gì, lai Tàu là cái chắc, người ta cứ nói theo thành quen và bây giờ ở miền nào cũng một cách gọi như nhau.
Xúng xính trong những bộ quần áo mới, mặc dù có đứa đũng quần dài tới gần đầu gối, có đứa tay áo phải xắn lên thành một cục mới lòi cẳng tay ra... nhưng đứa nào cũng hớn hở lắm, lại còn hãnh diện khoe với mấy đứa bạn nhà bên cạnh nữa.

Từ trước Tết, mẹ đã chuẩn bị những tờ tiền mới cứng để mừng tuổi cho các con. Mỗi đứa chỉ được 1 tờ, loại tiền MỘT HÀO màu tim tím, không có ai được 2 tờ đâu nhé dù là đứa được yêu quý đến cỡ nào đi nữa (những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, miền Bắc và miền Nam dùng hai loại tiền khác nhau nên loại tiền này chỉ có ở miền Bắc. Và tôi còn nhớ, 1 hào vào thời điểm đó mua được một gói xôi ăn sáng). Mẹ bảo, đây như là một cách ba mẹ gửi đến cho các con những điều may mắn nhất.
Trước khi trao tiền mừng tuổi, ba tôi bao giờ cũng xoa đầu từng đứa và dặn dò: các con cố gắng học giỏi, ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ và cô giáo nhé (vì không có đứa nào học thầy cả). Câu nói ngắn gọn, chúng tôi thuộc lòng và nhớ mãi không bao giờ quên.
Nhận được tiền rồi, chúng tôi hỉ hả lắm. Từ một xấp tiền nhỏ mẹ phát ra nhưng con em gái tôi nó cứ khăng khăng là tiền của nó mới hơn, rồi thằng em trai lại phân bì sao tiền của nó bị một nếp gấp ở ngay góc (ấy là do nó cầm làm sao để bị cong đó chứ).
Tôi thấy tờ tiền mới đẹp làm sao và rất thích ngắm nhìn mặt có in hình một cô chăn nuôi đang cho lợn ăn. Sau này chúng tôi vẫn vô tư gọi đó là tiền có hình con lợn.
Cầm chơi một lát, đứa nào đứa nấy đều đưa cho mẹ nhờ cất hộ (nhưng cũng chẳng thấy mẹ trả lại tờ nào cả, hơ hớ)

Nhớ lắm một thời ấu thơ!

10:55 8 thg 9 2012

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.