Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

LẦN ĐẦU ĐẾN PHÚ QUỐC

Cách đây đúng 1 tháng – ngày 5/9/2012, có một chuyến du lịch đến huyện đảo Phú Quốc. Tour 3 ngày 2 đêm.
Ngày thứ nhất
Chắng biết nhà tổ chức du lịch tính toán thế nào mà họ quy định: 4g30 sáng khách phải có mặt ở sân bay để làm thủ tục bay chuyến 5g45.
Mưa từ nửa đêm, sáng ra vẫn còn rả rích. Thời tiết xấu nên giờ bay phải hoãn lại đến 6g15.
Máy bay Sài Gòn – Phú Quốc hạ cánh sau gần 1 giờ bay. Vừa trải qua một trận mưa lớn nên đường băng ướt sũng nước, trời ảm đạm.
Dù tiết trời không đẹp, nhưng sự háo hức khiến cho mọi người quyết định vẫn tiến hành đến từng điểm tham quan đúng theo lịch trình.
Ra Phú Quốc mà không đi thăm Bắc đảo, tắm biển Gành Dầu, ngắm vùng biên ải của Tổ quốc, nơi vùng biển giáp ranh gần nhất với nước bạn Campuchia là một thiếu sót lớn. Đây cũng chính là điểm đến đầu tiên trong tour của chúng tôi.
Từ thị trấn Dương Đông, xe đưa chúng tôi ngược lên Bắc đảo, băng qua vùng Cửa Dương, Cửa Cạn. Rong ruổi theo đường đất đỏ khoảng chừng 20km thì xe như “lọt thỏm” vào vùng cây lá rậm rạp. Nơi đây được ví như thảm thực vật khổng lồ tươi tốt, không khí mát mẻ, trong lành và cũng rất âm u. Đường đất xuyên rừng nguyên sinh dẫn đến đền thờ Nguyễn Trung Trực - vị anh hùng nổi tiếng với câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Mọi người vào thắp hương tưởng nhớ và đóng góp chút ít vào thùng công đức.

 Rời đền thờ Nguyễn Trung Trực, chúng tôi đi tiếp ra bãi Gành Dầu thuộc xã cùng tên. Đứng từ mũi Gành Dầu, bạn có thể trông thấy hòn Nần hay Kaoh Ses và núi Tà Lơn của nước bạn Campuchia. cách đó khoảng 4km.  
Bên bãi biển Gành Dầu có cái quán tên rất độc đáo: “Biên Hải Quán”, đúng với địa điểm của nó. Ông chủ “Biên Hải quán”, có cái tên ngồ ngộ là Út Trà Đá, người vùng Hòn Đất ra đây lập nghiệp. Ông già 69 tuổi này biết đủ thứ chuyện của vùng Bắc đảo, có tài kể chuyện và hát vọng cổ. Khi có khách là ông cầm đờn ngồi ca cải lương tài tử vừa thể hiện sự yêu thích văn nghệ của mình, vừa giúp vui cho thực khách. Ai đã từng đến đây thì sẽ rất ấn tượng với hình ảnh này. Trong Biên Hải Quán có bán mực tươi, cá tươi, tôm tươi, sò tươi và con Cầu Gai- người bản xứ hay gọi đó là con “Nhum”, có hình dáng tròn tròn đen, gai dài, có thể ăn theo cách nướng chín hoặc vắt chanh ăn sống (20.000 – 25.000 đồng/con). Người ta bảo con Nhum ăn rất ngon và giàu dinh dưỡng. Nó bổ như thế nào thì không biết, chứ bản thân tôi chẳng thấy ngon (cũng thử đến 2 con chứ ít gì. Hí hí). Ở đây còn bán muối tiêu dinh dưỡng. Chẳng hiểu nó có “dinh dưỡng” gì. Chỉ biết đó cũng chỉ là một thứ gia vị gồm muối và tiêu mà thôi.
 Mọi người do phải dậy sớm và đi xe nên thấm mệt, lúc này chỉ muốn được ngủ một giấc.
Xe ghé nhà hàng ăn trưa rồi về Resort nhận phòng.
3 giờ chiều mọi người lại lên xe, đi tiếp. Trời đã hanh hanh chút nắng nên buổi tham quan khá lý tưởng. Điểm đến là một cơ sở làm nước mắm, nằm ở một nơi hẻo lánh. Cơ sở vắng hoe, chỉ có vài người bán hàng. Mùi nước mắm nồng nặc như bám vào quần áo và đầu tóc. Không có gì thú vị và cũng chẳng có ý định mua sắm gì ở đây. Rời chỗ bán mắm, xe chạy đến chỗ bán tiêu. Hồ tiêu Phú Quốc có thương hiệu riêng. Những quả chín gọi là tiêu chín (tiêu đỏ), những quả còn xanh sau khi phơi khô được gọi là tiêu cội (tiêu đen). Do nhu cầu của thị trường, người ta đã dùng tiêu đen tẩy bỏ vỏ chỉ còn lại phần lõi hạt gọi là tiêu sọ. “Cơ sở” cũng đìu hiu. Gọi “cơ sở” cho sang chứ thực ra đây là nơi “tự sản, tự tiêu”. Nhân viên bán hàng là hai mẹ con chủ nhà. Muốn mua tiêu xanh (tươi) thì ra vườn tự hái, mang vào cân rồi tính tiền. Tiêu khô loại trắng và đen đã đóng gói sẵn. Có gói nửa ký, có gói 1 ký. Muối tiêu được đựng trong từng hũ nhỏ, xếp đầy tủ kính. Không rõ chất lượng, nhưng so với Biên hải Quán thì đắt hơn 5.000đ/hũ. Mọi người rủ nhau: để ra chợ mua.
Chúng tôi đến Suối Tranh. Khung cảnh giống y như ở Thác Datala Đà Lạt. Trời đã về chiều.
Ghé làng chài Hàm Ninh. Trong bữa cơm tối, cả đoàn được thưởng thức thêm hải sản tươi ngon: ốc và ghẹ luộc, tôm tít chấy tỏi. Ngon hết xảy.
Mưa vẫn mưa, chẳng ai có dự định đi đâu cả. Và hình như ai ai cũng đều rúc trong tổ của mình.
Vậy là hết một ngày.
Ngày thứ 2
Sáng, trời ráo, đi dạo dọc bờ biển, cảm nhận cái không khí trong lành của một buổi sớm mai trên một vùng đất mới.
Gió biển ở đây có điểm lạ: không mang hương vị mặn, cũng chẳng làm rít da và xơ tóc.
Rồi mưa lại ập về. Nhiều người hỏi: sao lại đến Phú Quốc vào mùa mưa gió này. Không biết, chỉ biết rủ là đi. Đi cho biết đó biết đây chứ bỏ lỡ dịp này thì đến khi nào mới có cơ hội. Quả thật là như thế.
Mưa vẫn không làm thay đổi kế hoạch của đoàn. Vẫn đi. Chỉ thay đổi lộ trình.
 Trước tiên đến thăm nơi bán ngọc trai. Vào xem thôi chứ chắc chắn không mua rồi. Chuỗi hạt đeo sát cổ, loại tàm tạm cũng có giá vài triệu bạc. Các cô bán hàng ở đây nhiệt tình đến nỗi cứ lẽo đẽo theo chân khách hàng suốt và ra sức chào mời, khiến cho mọi người cảm thấy ngại và bỏ dở cuộc ngắm nghía.
Ghé thăm điểm bán rượu sim - loại rượu đặc sản của Phú Quốc. Cây sim có ở nhiều nơi, nhưng tôi mới chỉ thấy ở Phú Quốc sim được làm thành rượu. Nhiều người mua về làm quà.
Điểm đến kế tiếp là nhà tù Phú Quốc, nhưng nghe anh chàng hướng dẫn viên nói rằng, di tích nhà tù nay chỉ còn là tấm bia, mọi cái đều được xây mới thì mọi người quyết định bỏ qua điểm này và đi vào thị trấn An Thới. Nơi đây có Bãi Sao là một vùng biển đẹp. (Nhưng hôm chúng tôi đến, nó cứ xám xịt trong mưa gió). Từ đây, chúng tôi đi tàu ra đảo San hô, ăn trưa, câu cá và lặn ngắm san hô. Thú vị đấy, nhưng thấy biển nước mênh mông, màu trời ảm đạm mà sợ, mà ngại. Song nếu không đi theo đoàn thì biết ngồi lại với ai và làm gì cho hết 4 tiếng chờ đợi. “Nhắm mắt” đi vậy. Cũng may, khi chuẩn bị lên xuồng thì trời tạnh. Chiếc xuồng nhỏ đưa đoàn ra tàu đang neo cách đó vài chục mét.
Ngồi yên vị trên tàu được chừng 10 phút thì mưa lại xối xả. Tội nghiệp đoàn đi sau bị ướt và lạnh. Trên xuồng và trên tàu, tìm đỏ con mắt mà chẳng thấy cái áo phao nào cả. Nghĩ lại mà hoảng.
Một buổi lắc lư trên tàu cũng khiến mọi người bỏ qua điểm tham quan cuối cùng: Dinh Cậu.
Tối cuối cùng ở Phú Quốc, mọi người hẹn nhau: Có mưa cũng đi chợ đêm nhé.
Mưa còn dữ dội hơn tối hôm trước. Gọi 1 chiếc taxi 7 chỗ, 8 người leo lên. Loáng cái là tới chợ.
Chắc trời mưa nên nhiều gian hàng nghỉ sớm. Chỉ có khoảng chục gian hàng bán đồ lưu niệm và vài ba quán bán hải sản tươi sống. Nếu chế biến và ăn tại chỗ thì trả tiền công 30.000 đ/kg. 8 người ủng hộ chủ quán 2 đĩa sò điệp (mọi người cứ khen sò điệp ở đây ngon và rẻ quá chừng: cỡ 13 con/ đĩa/ 50.000), 2 đĩa mực, mấy chai bia hết khoảng gần 500 ngàn.
Vòng ngọc trai ở chợ bán chỉ 300.000 đồng. Rẻ quá cũng không mua. Hehe.
Lượt về, trời quang mậy tạnh và thấy đoạn đường cũng không xa, mọi người quyết định cùng nhau đi bộ. Vừa đi vừa nói chuyện và cười vang cả đường.
Ngày thứ 3
Xe đưa đoàn ra sân bay vào lúc 7g15 nên mọi người ăn sáng xong là vội vàng trả phòng. Chẳng còn thời gian để mà lưu luyến.
Vật vờ ở khu vực chờ khá lâu.
8g50 bay, 10g30 có mặt ở nhà. Kết thúc một chuyến du lịch đáng nhớ.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.